Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Ninh tăng cường giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm, góp phần giảm thiểu tệ nạn này.

Nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện lồng ghép các nguồn lực, hoạt động để triển khai quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm, nhằm góp phần nâng cao ý thức, chuyển đổi nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương và người dân về công tác phòng, chống mại dâm.

Sở chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông kịp thời đưa tin, viết bài tuyên truyền về lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan báo chí đăng tải nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm. 

28 hội nghị tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, ma túy, mua bán người được tổ chức cho 2.056 cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại 28 phường, xã, thị trấn của huyện Tiên Yên, Đầm Hà và Ba Chẽ.

Anh1_PC mai dam_QN_ky4_Dan sinh.jpg
Lớp tập huấn kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho thành viên, tiếp cận viên các mô hình phòng chống mại dâm tại cộng đồng (Ảnh: T.H).

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền, tập huấn kiến thức về phòng, chống mại dâm với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực. Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 2 văn bản hướng dẫn hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền trên tất cả hạ tầng truyền thông như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, cổng - trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (facebook, youtube...) về công tác phòng, chống mại dâm và tệ nạn xã hội.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng cung cấp thông tin cho báo chí trên 10 lượt tài liệu, thông tin, hình ảnh qua email đến 70 đầu mối phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và các địa phương khác về nội dung phòng, chống tệ nạn mại dâm. 

Sở Y tế đã tiến hành 17.651 lượt truyền thông trực tiếp về HIV/AIDS và có 865.726 lượt người được truyền thông về HIV/AIDS; chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật dựng các phóng sự, phát thanh truyền thông nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, ngày Thế giới phòng, chống AIDS, tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024... 

Qua đó, đã tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn mại dâm… cho cán bộ y tế, các nhóm đồng đẳng viên và cộng động dân cư. 

Sở Y tế đã tổ chức 1 lớp tập huấn về triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho 26 học viên (cán bộ y tế tại 13 trung tâm y tế các huyện, thị); 6 lớp về tư vấn xét nghiệm HIV (179 học viên là cán bộ công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn tỉnh); cài đặt, cấp tài khoản, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm HIV INFO 4.0 phục vụ công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực HIV/AIDS cho 140/177 xã/phường (chiếm 79%). 

Duy trì hiệu quả các mô hình về phòng, chống mại dâm

Anh2_PC mai dam_QN_ky4_Dan sinh.jpg
Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) làm việc với các đối tượng liên quan về hành vi môi giới mại dâm (Ảnh: Bình Minh).

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Quảng Ninh đã tập trung xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm; tiếp tục duy trì hiệu quả các mô hình về phòng, chống tệ nạn mại dâm từ nguồn ngân sách tỉnh. Tiêu biểu là các mô hình do Sở LĐ-TB&XH thực hiện.

Mô hình 1: hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. 

Trong 6 tháng đầu năm đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 210 lượt người có nguy cơ mại dâm các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại HIV/AIDS; tiếp cận 135 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm thực hiện quy định của pháp luật về quản lý người lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội; trực tiếp tư vấn, chuyển gửi 80 người đến cơ sở y tế xét nghiệm HIV miễn phí, xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs); cấp phát 1.200 bao cao su cho người mại dâm; mở rộng kết nối 70 thành viên mới tham gia hoạt động nhóm, câu lạc bộ. 

Mô hình 2: mô hình đảm bảo quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long.

Mô hình đã tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho 70 người có nguy cơ mại dâm qua zalo, chuyển gửi 20 người đi xét nghiệm HIV; mở rộng kết nối, thu hút 25 thành viên tham gia sinh hoạt/hoạt động của nhóm; cấp phát 464 bao cao su cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long. 

Bên cạnh đó, tỉnh còn duy trì các mô hình do các địa phương thực hiện, như: mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống mại dâm, hòa nhập cộng đồng tại 8 xã, phường và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và thị xã Quảng Yên, Đông Triều nhằm tạo cơ hội, hỗ trợ cho người bán dâm thay đổi hành vi, hòa nhập cộng đồng bền vững; tích hợp các hoạt động, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; hỗ trợ chính quyền địa phương nắm địa bàn, phát giác, tố cáo hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm... 

Các mô hình về phòng, chống tệ nạn mại dâm nêu trên đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng liên quan nắm được tình hình tệ nạn mại dâm, người bán dâm trên địa bàn triển khai mô hình; qua đó có kế hoạch kết hợp các biện pháp can thiệp giảm hại về HIV/AIDS để hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm.

Điều đó cũng đảm bảo những quyền cơ bản của người bán dâm, người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu những tác hại, kéo giảm tệ nạn mại dâm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và giảm thiểu tệ nạn mại dâm.

Tin liên quan