Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (Pre-Exposure Prophylaxis - PrEP) là một chiến lược mới điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV đối với những người chưa nhiễm HIV. Biện pháp này có khả năng giảm nguy cơ lây nhiễm tới 90%. PrEP được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên sử dụng đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV cao
Theo Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có 6 đối tượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV gồm:
1- Người có quan hệ tình dục đồng giới;
2- Người chuyển đổi giới tính;
3- Người sử dụng ma túy;
4- Người bán dâm;
5- Vợ, chồng người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng quy định tại (1), (2), (3), (4) nêu trên;
6- Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV.
Cơ sở tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV bao gồm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế khác.
Nghị định nêu rõ điều kiện tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm: Phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP; bác sỹ hoặc y sỹ thực hiện việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và có chứng nhận đã qua tập huấn, đào tạo về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.
Điều kiện tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV đối với cơ sở y tế khác như sau: Có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp để phục vụ cho việc điều trị đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP; có bác sỹ hoặc y sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ hoặc chứng nhận đã qua tập huấn, đào tạo về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và HIV/AIDS.