“Cặp bài trùng”: Hàng không - du lịch
Theo một báo cáo năm 2018 của Nhóm Hành động vận tải hàng không – một nhóm các chuyên gia quốc tế tập trung vào vấn đề phát triển bền vững ngành hàng không, hơn 58% tổng số khách du lịch quốc tế chọn hàng không là phương tiện di chuyển.
Với sự tăng trưởng không ngừng của lượng khách du lịch trên toàn cầu, yêu cầu mở rộng, phát triển mạng lưới hạ tầng hàng không ngày càng trở nên cấp thiết. Một báo cáo đầu năm nay của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) cho thấy, lưu lượng hành khách dự kiến đạt hơn 20 tỷ lượt vào năm 2039, đi cùng với đó là mức độ kỳ vọng ngày càng tăng của hành khách về các vấn đề an toàn, bảo mật, sự tiện lợi tại sân bay.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, ngành du lịch hỗ trợ 319 triệu việc làm và đóng góp 8.800 tỷ USD, chiếm 10,4% nền kinh tế toàn cầu. Bằng cách hỗ trợ cho du lịch, ngành hàng không cũng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Năm 2014, ngành hàng không đã hỗ trợ hơn 36 triệu việc làm trong lĩnh vực du lịch, đóng góp khoảng 892 tỷ USD cho GDP toàn cầu.
Như vậy có thể nói, ngành hàng không và du lịch cùng dựa vào nhau để tăng trưởng bền vững. Trước nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng vọt sau đại dịch Covid-19 và tạo đà cho du lịch phát triển trong dài hạn, nhiều nước đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp nâng cấp hệ thống hàng không. Một trong những biện pháp chính là đầu tư mạnh cho hạ tầng sân bay.
Sân bay “đi tắt đón đầu”
Thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) là ví dụ điển hình cho sự phát triển của một địa phương nhờ có sân bay. Nơi đây được thiên nhiên ban cho nguồn tài nguyên du lịch phong phú như Wuyuan – “vùng quê đẹp nhất Trung Quốc”, núi Sanqing - di sản thế giới được Unesco công nhận hay Poyang - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc.
Sau khi sân bay Thượng Nhiêu hoàn thành năm 2016 và chính thức đi vào hoạt động tháng 5/2017, công trình này đã giúp giảm 45% thời gian di chuyển từ các đô thị lớn. Sân bay đón 375.000 hành khách trong năm 2018 và chỉ 2 năm sau đó đã tăng lên khoảng 500.000 hành khách.
Nhờ có sân bay, ngành du lịch thành phố này cũng đã khởi sắc. Năm 2017, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Thượng Nhiêu đạt hơn 21 tỷ USD, tăng 31,5% so với năm trước. Cũng trong năm đó, lần đầu tiên, Thượng Nhiêu lọt top 10 thành phố du lịch của Trung Quốc.
Tháng 7 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo chi gần 1 tỷ USD cho dự án cải thiện, nâng cấp 85 sân bay trên cả nước. Trong khi đó, một loạt dự án sân bay tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore cũng nối lại sau khi nhu cầu đi lại của hành khách và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh trở lại sau Covid-19.
Theo phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, 3 sân bay tại Bangkok sẽ được nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu lượng khách tăng cao trong mùa du lịch sắp tới. Tại Singapore, chính phủ nước này cũng phê duyệt dự án mở nhà ga thứ 5 tại sân bay quốc tế Changi và dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Cùng với việc mở rộng nhà ga số 2, nhà ga số 5 sau khi hoàn thiện sẽ đẩy sức chứa sân bay Changi lên 140 triệu hành khách/năm, tăng 65% lượng khách so với thời kỳ trước Covid-19.
Những động thái trên cho thấy, các nước đều đánh giá cao tác động đáng kể của việc đầu tư hạ tầng hàng không, trong đó có việc mở rộng, nâng cấp sân bay đối với sự phát triển của ngành du lịch và vận tải. Đặc biệt, sân bay còn trở thành cầu nối, đưa khách du lịch khám phá những vùng đất hẻo lánh, chưa được nhiều người biết đến, mang lại thu nhập cho người dân địa phương.
Đột phá về hạ tầng
Một số quốc gia như Singapore, Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE), Hà Lan… đã sớm phát triển sân bay thành một điểm đến du lịch, một trung tâm kết nối của khu vực. Theo đó, sân bay không chỉ là nơi vận chuyển hành khách và hàng hóa mà đã biến thành khu phức hợp mua sắm, giải trí, tham quan và nghỉ ngơi cho du khách. Cùng với đó, sự hiện diện của những công trình kiến trúc bên trong sân bay khiến người xem choáng ngợp.
Sân bay Changi (Singapore) đưa quốc đảo sư tử nhỏ bé trở thành một điểm trung chuyển quốc tế nhộn nhịp. Trong khi đó, sân bay quốc tế Dubai (UAE) từ một bãi đáp nhỏ đã được quy hoạch đồng bộ, triển khai xây dựng, nâng cấp đường bay, trạm kiểm soát không lưu và “lột xác” thành sân bay đứng thứ 4 thế giới về mức độ tấp nập du khách, phục vụ gần 1 tỷ lượt khách/năm.
Để đạt được những thành quả như vậy, các nước đều từng phải giải nút thắt lớn đó là vốn. Để gỡ nút thắt này, không có cách nào khác là kêu gọi nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân.
Sân bay quốc tế Queen Alia ở Jordan là ví dụ. Sân bay được xây dựng khi cả giao thông hàng không và tăng trưởng kinh tế đều ở mức thấp. Tốc độ tăng trưởng du lịch quá nhanh đã khiến sân bay quá tải. Dù biết việc nâng cấp, mở rộng hạ tầng sân bay là cần thiết nhưng chính phủ không có đủ nguồn lực. Cuối cùng, Jordan đã chọn International Finance Corporation (IFC) làm nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các đối tác tư nhân mất hơn 5 năm để hoàn thành dự án. Queen Alia sau đó đã trở thành sân bay PPP đầu tiên ở Trung Đông và được ca ngợi là một thành công lớn. Nó được công nhận là sân bay tốt nhất Trung Đông trong hai năm 2014 và 2015. Thứ hạng toàn cầu của sân bay cũng tăng vọt từ 186 lên 30 sau khi dự án PPP hoàn thành.
Tại Việt Nam, chưa bàn đến việc phải có những sân bay đẳng cấp như thế giới, mà ngay tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên ở các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cùng sự thiếu vắng sân bay tại những địa bàn giàu tiềm năng du lịch đã cho thấy, việc quy hoạch, cải tạo, mở rộng mạng lưới sân bay hiện hữu là cấp thiết.
Dự kiến đến năm 2030, tổng lưu lượng hành khách qua các sân bay tại nước ta sẽ đạt khoảng 275,9 triệu lượt. Từ kinh nghiệm các nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư sân bay, thu hút những doanh nghiệp có đủ nhân tài vật lực để tạo bước đột phá đưa hạ tầng hàng không tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tăng vọt của du lịch.