Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ra mắt sách “Về Nguyễn Huy Thiệp”

(Dân sinh) - Nhân 100 ngày mất của Nguyễn Huy Thiệp, Công ty Sách Liên Việt phối hợp với NXB Dân trí tổ chức buổi họp báo ra mắt sách trực tuyến cho cuốn “Về Nguyễn Huy Thiệp” trên nền tảng Zoom vào lúc 20h-22h, Chủ nhật, ngày 4/7/2021. Đồng thời, buổi ra mắt sách cũng được phát trực tiếp trên Facebook.

Cuốn sách "Về Nguyễn Huy Thiệp" bao gồm các tản văn, ký, phê bình văn học và phỏng vấn – Cuốn sách như một nén nhang tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhân 100 ngày ông đi xa.

"Về Nguyễn Huy Thiệp tức là nhớ về, nghĩ về, viết về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Hồi ức và kỷ niệm. Tản văn, ký, phê bình văn học và phỏng vấn. Trong rất nhiều bài về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng như tác phẩm của ông, nhóm biên tập chọn khoảng 30 bài. Sách không cứ là một tập hợp cho dù là vài trăm bài theo kiểu một dấu cộng. Đấy là cách nhóm biên tập nghĩ khi bắt đầu làm cuốn sách này.

Trước tiên nó phải là một cuốn sách, sau mới đến ý nghĩa tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cho nên bài đầu tiên là bài ai ai cũng biết "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió" của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến. Bài này là bài đầu tiên viết về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp và in như lời giới thiệu trong tập truyện ngắn "Tướng về hưu", cũng là cuốn sách đầu tiên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (Nhà xuất bản Trẻ và Tuần báo Văn nghệ/ Hội Nhà văn Việt Nam, 1987). Bài cuối cùng của cuốn sách này là bài "Nói chuyện một mình". Đây là bài viết cuối cùng của Nguyễn Huy Thiệp, ông viết vào dịp trước Tết âm lịch 2020.

Phần 2 của sách là ảnh tư liệu chụp nhà văn, một số tác phẩm gốm của ông và đặc biệt những bức tranh đề thơ của nhà văn khi ông đã nằm trên giường bệnh. Thứ tự sau trước của các bài, bố cục các phần sẽ tạo ra không gian của cuốn sách. Sự khác biệt chính là ở đó.

Hy vọng ở một nơi nào đó, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ hài lòng.

Ra mắt sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” - Ảnh 1.

Buổi ra mắt sách có sự tham dự của các diễn giả như họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà phê bình Văn Giá, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà thơ Phan Huyền Thư, nhà thơ Văn Công Hùng, nhà thơ Nguyễn Thành Phong, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, giáo sư văn học người Hà Lan Dick Gebuys. Dẫn chương trình là nhà văn Di Li.