Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Rà soát chính sách người có công: Cách làm hay của phường Hòa Phong

Địa bàn rộng, đối tượng chính sách nhiều, với hơn 300 hộ và gần 500 đối tượng đang được hưởng các chế độ, thế nhưng công tác rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công tại xã Hòa Phong,(huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vẫn được thực hiện một cách nhanh gọn và hết sức khoa học. Được đánh giá là cách làm hay, cần nhân rộng trên toàn thành phố trong hoạt động tổng rà soát chính sách người có công, giai đoạn 2014-2015.

 

Làm đến đâu dứt điểm đến đó

Trước áp lực chỉ trong vòng 10 ngày (từ 20/6-30/6) phải làm xong công tác tổng rà soát về chính sách đối với người có công với cách mạng ở xã Hòa Phong,  Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hòa Phong, Phan Thị Thu Hồng, người nhận nhiệm vụ này, không khỏi lo lắng, bởi địa bàn xã rộng, đối tượng chính sách lại nhiều.Trong khi đó, thành viên tổ rà soát là cán bộ trưởng, phó ban công tác mặt trận, các hội đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh ở dưới thôn có nhiều người tuổi đã cao, trình độ cũng có hạn.  “Làm sao để hoàn thành công việc và đảm bảo đúng tiến độ, thời gian nhưng phải chính xác, không bỏ sót đối tượng là điều không hề dễ dàng” – bà Hồng băn khoăn.

Một hội thi về học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở xã Hòa Phong,

Chỉ có thể áp dụng biện pháp cuốn chiếu, tập trung, làm đến đâu dứt điểm đến đó mới có hiệu quả. Ngay sau đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo xã, ban chỉ đạo rà soát được thành lập, đồng thời tiến hành thành lập 15 tổ ra soát ở thôn.

Với mục tiêu việc rà soát phải được tiến hành chặt chẽ, tổng hợp chính xác danh sách người có công với cách mạng đã được hưởng đầy đủ hay chưa, cùng những sai phạm (nếu có) trong việc thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ngay sau khi nhiệm vụ được phân công cụ thể cho mỗi cá nhân, giấy mời lần lượt được chuyển đến từng nhà gia đình chính sách trước từ 5-7 ngày. Trong giấy có ghi rõ cụ thể ngày gặp mặt, cùng lưu ý khi đi đem thẻ CMND, sổ nhận tiền và bằng tổ quốc ghi công (nếu là đối tượng thân nhân liệt sỹ) . Cuộc họp có mời bí thư chi bộ, trưởng thôn cùng tham dự.

Bằng cách hỏi trực tiếp thông tin trong mẫu, đồng thời đối chiếu với giấy tờ khác. Nếu thông tin chưa rõ và xác định chưa được thì đánh dấu bằng bút chì. Nếu người nào già yếu và bận việc không đến thì hội đoàn thể đến tận nhà để lấy thông tin. Bà Hồng cho biết: “Có những đối tượng được hưởng đến 5, 6 chế độ. Bởi vậy, việc phân ra từng bàn, mỗi bàn phụ trách việc rà soát 1 chế độ giúp cho tiến độ công việc nhanh hơn nhiều mà tránh khỏi nhầm lẫn, chồng chéo”

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng gia đình chính sách

          Anh Phạm Đình Chung, con liệt sỹ ở xã Hòa Phong chia sẻ “Cha mẹ tôi đều mất trong chiến đấu, tôi sức khỏe yếu nên cũng không làm lụng được gì nhiều. Cuộc sống lại khó khăn nên lãnh đạo xã đã linh động đề xuất giải quyết cho tôi hưởng một lúc hai chế độ nên cuộc sống đỡ phần nào”.  Là con liệt sỹ, bản thân lại hay đau ốm, cuộc sống khó khăn, trước hoàn cảnh cụ thể của anh Chung, lãnh đạo xã Hòa Phong đã thống nhất và đi đến giải quyết cho anh nhận 2 chế độ là con liệt sỹ neo đơn và người bị nhiễm chất độc hóa học để anh có thêm điều kiện chữa bệnh.

          Với việc lãnh đạo xã trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các gia đình chính sách, đồng thời nhiều phản ánh, kiến nghị của các đối tượng đã được ghi nhận và giải quyết kịp thời, đầy đủ đã tạo niềm tin cho các đối tượng chính sách. Trong đợt xét vừa qua, ngoài trường hợp của anh Phạm Đình Chung, xã Hòa Phong đã có 57 hộ chính sách được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà với kinh phí hỗ trợ từ 20-60 triệu đồng. Đồng thời, bổ sung thêm chế độ BHYT cho 185 đối tượng là con liệt sỹ, hoàn thành việc 100% con liệt sỹ đều được hưởng chế độ này.

Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) cho biết “Cách làm của xã Hòa Phong vừa nhanh gọn vừa hiệu quả, góp phần chung vào hiệu quả của hoạt động tổng rà soát chính sách người có công giai đoạn 2014-2015 tại Đà Nẵng”.Còn bà Hồng thì nói: “Không chỉ rà soát về chế độ, đây cũng là dịp để lãnh đạo xã gặp gỡ các gia đình chính sách và lắng nghe những nguyện vọng của họ để có sự hỗ trợ, giúp đỡ cho phù hợp”,