Rê thóc bằng gió trời. Ảnh: Internet
Thóc được phơi khô, trong sân nhà, sân hợp tác, hay nửa con đường làng cạnh ngõ vào nhà, khi đủ nắng thì phải rê. Rê thóc, tức là để bỏ đi phần hạt lép, giữ phần hạt chắc, thì gạo xay xát ra mới xóng ngon, không bị đớn hay bị đầu mày.
Vào mùa, khi ngả bóng, thóc được trang vào thành đống, sân xướng hay ngõ làng được quét sạch bằng chổi lúa, chuẩn bị cho việc rê thóc. Vào ngày có gió - phải là gió to - thì rất được việc, đỡ hẳn một công nam, khỏe tay. Thóc được đựng trong thúng ba hay thúng cái, nhằm hướng gió thuận, chỉ việc bê thúng thóc lên, ghé vào vai, nghiêng thúng cho thóc chảy xuống. Thóc phải chảy dàn mỏng, không quá nhiều, thì hạt chắc sẽ rơi xuống ngay chân người đứng rê, còn hạt lép bay xa gần trong gió. Chẳng mấy mà đống thóc được rê xong. Người nhà nhanh chóng vục thúng vào đống thóc, bê từng thúng đổ vào trong nhà. Xung quanh đống thóc ấy, sẽ có lẫn giữa hạt lép và hạt mẩy, gió trời thường dàn trải, không tập trung, cho nên mẹ hay chị lại phải vét thóc ấy, cho vào cái nia xẩy lại. Thế là chẳng còn hạt nào bị lẫn. Thường thì vụ tháng 5 mới hay lợi dụng được sức gió để rê. Phải chiều có giông thì rê nhàn hẳn, vì gió to. Nhưng rê được đến đâu, người nhà cũng phải nhanh tay xúc thóc vào nhà đến đấy, không thì mưa ập đến, chạy không kịp, lại công cốc.
Rê thóc bằng gió trời chỉ thảng hoặc, chứ sức người vẫn là chính, công việc này cần độ khéo léo, nên thường là đàn bà con gái làm, nhưng vẫn rất cần sự giúp sức của đàn ông, con trai. Chị hay mẹ vục thúng vào đống thóc lấy một gạt miệng thúng, sức đàn bà con gái yếu, không mấy người đưa được thúng lên vai mà bố hay anh thường phải giúp sức, đưa thúng ấy lên vai. Mẹ rê thóc, bố dùng cái quạt to, dài rộng đến cả mét quạt đều tay, gió mạnh, tập trung, hạt lép bay, hạt mẩy rơi xuống cả. Việc này mất sức, vai mẹ trĩu nặng. Nhưng tay mẹ yếu, cũng khó lòng quạt được bằng cái quạt to đùng kia. Mà mẹ có yếu, nhưng lại khéo, thóc chảy xuống tản đều, mỏng, nên khi ướt đẫm mồ hôi thì cũng là lúc quạt xong đống thóc. Đôi khi tiện tay, lại muốn mẹ được nghỉ, bố gom lại xảy mày chỗ thóc giáp ranh. Bao mùa như vậy, những cái quạt tím mua ở chợ phiên bạc cả màu, đôi chỗ đã rách. Bố phải lấy giấy báo vá lại. Giấy báo thường nặng tay, nếu xin được giấy pô- luya thì tốt hơn nhiều. Bố mẹ già, yếu tay hơn, thì chị em cũng đã lớn và biết bảo nhau thạo việc dần.
Sau đó, trong làng, vài nhà có quạt thùng, nếu mượn được cũng đỡ vất. Thay vì quạt tay, thì quay tay lấy gió, gió mạnh và nhàn hơn. Nhưng thùng quạt to, phải chở về bằng xe cải tiến cũng cách rách. Bố bảo, cứ quạt tay, đợi mùa sau, có tiền dư dả thì đóng một cái.
Rê thóc bằng gió quạt. Ảnh: Internet
Chị em lớn khôn đi học, điện về làng, quạt máy, quạt bàn đã giúp sức bố mẹ thay đàn con xa nhà. Rồi những cái quạt cây chuyên dụng giúp sức nhiều. Canh nông ai cũng bảo nhàn hơn xưa, vì đã có máy móc làm hộ. Nhà có con đi thoát ly, bố mẹ cũng phải cho thuê ruộng, lấy đủ thóc ăn thôi, chứ sức không còn cấy cầy được nữa. Nhiều nhà ăn gạo đong trắng ngần, máy xay xát trong làng cũng vắng hơn xưa, cái thời phải xếp hàng chờ đến tối mới đến lượt, chủ máy có khi phải mắc bóng đèn làm đêm. Nay khác hẳn, chỉ cánh hàng xáo hay đại lý gạo mới thường xuyên lui tới.
Chuyện rê thóc đã không còn, cái quạt thóc cũng vắng bóng trong chợ phiên, mấy chục năm qua không mấy người nhớ đến. Mẹ đã lưng còng, móm mém kể chuyện xưa, người trong làng ai rê thóc khéo, bà vẫn nhắc tên. Chị lấy chồng xa về với mẹ vẫn nhớ chuyện sàng xẩy, chị khoe cho đến giờ gằn không lẫn, không sót hạt nào bao giờ. Chị bảo rê thóc chỉ quen vai phải nên hết mùa ê vai, vì thóc nhà mình tính bằng tấn, nghĩ lại đến giờ vẫn thấy nhọc. Rồi chị lại bảo: “Nếu không có thóc lấy đâu ra nhà ngói, sân gạch, u nhỉ?”
Mắt mẹ ngấn nước kể năm ngập, hơn mẫu ruộng đồng trũng ngập cả, chèo thuyền thúng cắt ngọn lúa về, lúa không có chỗ phơi, mọc mầm cả. Cả vụ, rê có dăm tạ thóc, nhàn tênh mà lo thắt ruột. May mà nắng lên, thóc mầm phơi được, nghiền thành cám cho lợn. Mẹ gột lứa lợn bột lại thắng, nhà mình không đói, chứ nhiều nhà cấy đồng trũng năm đó, giáp hạt thiếu ăn cả. Mẹ nuôi con, lo từ cái nhà ở, đến ăn học, mà có năm chẳng may mất mùa, lo các con đói, mẹ sợ đến tận giờ.
Rê thóc kiểu vùng cao. Ảnh: Internet
Người làng bên, đôi khi chợ phiên vẫn về chợ làng này bán quạt. Những cái quạt nan tre, giấy tím, châm kim hình hoa hay hình phượng vẫn còn. Riêng đằng quạt thửa, làm công phu, hai nan cái bằng sừng, khắc chạm không còn, đôi cụ vẫn hỏi thăm cái đằng quạt đẹp ý và đặt mua. Loại ấy đặt thì còn, chứ cái quạt to để rê thóc thì người bán quạt bảo rằng:
- Thời cụ, nhà con mới làm cụ ơi! Cánh trẻ chúng con chỉ nghe nói thôi, chứ không còn làm quạt rê thóc lúa nữa. Làm đằng ấy phải vót nan cật, cong đúng độ để xương quạt chắc, lại nhiều gió. Giờ có điện rồi, thóc về đến nhà là khô, sạch tinh. Không ai làm quạt ý nữa rồi…
Thật là, người già hay nhớ chuyện. Những câu chuyện gắn với tháng năm đời người, gắn với công việc và gia sản nhà nông, tôi thấy phải kể không sợ mai này, chả còn mấy người nhớ mà kể về chuyện rê thóc hay cái quạt to đùng treo cao tít tận đầu đốc nhà, chỉ lấy xuống dùng vào đúng vụ tháng 5 và tháng 10 mỗi năm nữa.
Nguyễn Minh Hoa/TC GĐ&TE