Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Rừng cây đời người

 
Ảnh minh họa.
 
Nhớ rừng giữa đất rừng
 
Những cơn lũ đã cướp đi bao sinh mạng và của cải. Hậu quả của lũ dữ nhắc người ta nhớ nhiều đến những cánh rừng trơ trụi, bị tàn phá do lòng tham và sự thụ hưởng của con người. Lũ vẫn đổ về mỗi năm, và hàng năm, những ngọn đồi vẫn trọc đi, những cánh rừng vẫn bị khoét rỗng từ trong lòng.
 
Dọc con đường quốc lộ xuyên qua vùng núi khắp miền, những ngọn đồi, dãy núi trong tầm mắt gần như bị cạo trọc, xác xơ những lều tranh được dựng tạm, đất đai như thở ra nhọc nhằn. Đi sâu vào núi, phủ bên ngoài là lớp vỏ xanh tươi, nhưng trong lòng, cây rừng đang ngày ngày ngã xuống, những cánh rừng đang trơ trọc dần đi, nói một cách khác, là rừng dần rỗng ruột.
 
Tôi có những tháng năm ở tỉnh Hòa Bình, thời gian đủ để lưu vào ký ức những làng bản trùm bóng cây cổ thụ từ các cánh rừng chạy như đến vô cùng. Ngày ấy như đã xa xôi khi hôm nay tôi lên đây. Từ Lương Sơn đi thành phố, qua Đà Bắc, Tân Lạc, Kim Bôi, Yên Lạc…, chuyện mất rừng thành lời than chung không chỉ của người già bao năm gắn bó với rừng, mà cả người trẻ, sống cạnh rừng mà không thấy cây đâu? Lời cay đắng của họ đưa tôi đến những cánh rừng đang bị đào xới ngang dọc, những thân gỗ bị đốn ngã nằm la liệt.
 
Tôi theo bạn lên Kỳ Sơn, câu chuyện về cơn lũ khủng khiếp cuốn trôi cả xóm ở những huyện bạn ngay cạnh, còn khiến bà con chưa hết bàng hoàng. Những xóm bản nối nhau trắng xóa màu sơn, hiếm hoi mới có những vườn gia đình, hầu như gần biến sạch những lũy tre vầu trùm xuống ngôi nhà sàn. Lời than đầu là cảnh thiếu nước. Tôi thấy nỗi buồn lo trong đôi mắt, trong giọng nói rầu rầu: Ngày nào ra khỏi nhà là thấy rừng, nay đi mãi chẳng thấy một đồi cây nguyên vẹn. Sự trả giá thực tiễn về nỗi khổ mất rừng chưa bao giờ được bà con thấm thía như bây giờ.
 
Rừng xa dần làng bản, người dân không dễ gì để kiếm vài cây lá thuốc, dược thảo quen dùng. Thiếu nước sinh hoạt và trồng trọt, chăn nuôi, rừng đầu nguồn bị tàn phá, nguồn nước ô nhiễm, những con suối trơ cạn hoăc đục ngầu...
 
Bước chân rời những cung đường quen năm xưa, nỗi nhớ rừng giữa rừng khiến lòng trĩu buồn. Nỗi buồn có cả lời than của những cánh rừng bị đốn hạ. Chưa khi nào câu hát “rừng cây đời người” lại thấm tháp đến thế.
 
 
Ảnh minh họa.
 
Lá thư từ đồi thông
 
Anh bạn họa sĩ tôi thân thiết vào Đà Lạt đã ngót 50 năm. Thư thoại cho nhau, anh hay có nỗi lo về xứ hoa của mình mỗi năm sương như bớt và loãng hơn. Câu chuyện về những đồi thông cứ mất dần theo ngày, khiến anh ngậm ngùi. Từ nỗi lo cho Đà Lạt, anh mở chuyện đến Tây Nguyên, nơi người bản địa sống nương tựa rừng. Đất ở nương rẫy cũng từ rừng mà ra, gìn giữ rừng trong sự gắn bó sinh tồn,  thủy chung. Nay rừng mất dần, văn hóa truyền thống gắn bó với núi rừng cũng mai một. Anh bạn tôi than, tiếng cồng chiêng không còn vang vọng ngân xa nữa khi thiếu không gian rừng quyện hòa.
 
Đà Lạt, xứ sở của ngàn thông. Những năm qua, thành phố vẫn có chủ trương trồng thêm thông mới bên cạnh lớp thông đang già đi. Nhưng có lẽ, số thông non mọc lên không thể nào kịp với tốc độ của những cánh rừng thông bị tàn phá. Những kẻ phá rừng có rất nhiều mánh khóe để khiến cho những cánh rừng “biến mất” một cách từ từ, để đến khi người ta nhận diện được mối nguy thì rừng đã thành đồi trọc. 
 
Đổ thuốc diệt cỏ, xăng, axit vào các lỗ khoét trên thân cây đã trở thành một thủ đoạn quen thuộc của bọn phá rừng. Hàng trăm cánh rừng thông lâu năm đã bị hủy diệt bằng cách như thế, cái ác và lòng tham muốn cây tự chết đứng.
 
Ở Đà Lạt có một cái hồ mà dân du lịch phượt thường gọi nôm na là “Tuyệt tình cốc”. Cái hồ ấy vốn là của những người phá núi đá tạo ra. Muốn đi đến hồ, phải xuyên qua hơn 5km đường rừng. Và nếu ai từng đi, sẽ thấy, cánh rừng thông dày, bên ngoài vẫn đẹp, xanh ngát, nhưng giữa lòng rừng, thông đã biến mất, thay vào đó là những đồi chè, cà phê mới toanh trùng điệp kéo dài vài chục héc ta. Hiện, những chiếc máy cẩu, máy kéo vẫn được đưa vào giữa lòng rừng, san phẳng những rừng cây để người ta làm… kinh tế.
 
Cũng ở Đà Lạt, nhiều người biết có một nghịch lý, đó là hễ một khách sạn, resort lớn được xây dựng tại đâu thì bỗng dưng những cánh rừng chung quanh đó từ từ thưa vắng. Và bên trong các khu nghỉ dưỡng sang trọng, những sản phẩm gỗ sang trọng dần thành hình, được cưa xẻ và chế tạo ngay tại nơi cánh rừng biến mất.
 
Câu chuyện về những cánh rừng chết dần, mất tích ngay giữa thanh thiên bạch nhật vẫn còn đang tiếp diễn ở khắp nơi trên đất nước. Những cánh rừng chết đi, không chỉ bởi bàn tay tàn phá của những kẻ phá rừng chuyên nghiệp. Rừng chết còn bởi lòng tham của những kẻ muốn hưởng thụ những khúc gỗ rừng tươi mới. Và trên hết, là sự nhắm mắt, thờ ơ của những người mang nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Lời than đầu tiên là cảnh thiếu nước, tôi thấy nỗi buồn lo trong đôi mắt, trong giọng nói rầu rầu: Ngày nào ra khỏi nhà là thấy rừng, nay đi mãi chẳng thấy một đồi cây nguyên vẹn. Sự trả giá thực tiễn về nỗi khổ mất rừng chưa bao giờ được bà con thấm thía như bây giờ.

Sơn Thành/TC GĐ&TE

Tin liên quan