Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sa Ná hồi sinh sau cơn lũ dữ, đón mùa xuân về trên bản làng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) khoác lên mình màu xanh của những ngôi nhà sàn, nhà xây kiên cố, những cánh đồng lúa, rừng luồng, rừng vầu xanh ngắt… chờ đón mùa xuân về.

Sa Ná ngày ấy

Sa Ná trước đây là một bản nhỏ, nằm rải rác trải dài theo dòng suối Son, cách trung tâm xã Na Mèo gần 5km với vẻ đẹp hoang sơ, yên bình. Mùa xuân là thời điểm Sa Ná đẹp nhất khi những cánh rừng nơi đại ngàn “cựa mình” đâm chồi nảy lộc, thay lá mới.

Sa Ná hồi sinh sau cơn lũ dữ, đón mùa xuân về trên bản làng - 1
Bản Sa Ná nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hoàng Đông).

Những cánh hoa đào, hoa mận… bung nở khoe sắc thắm trên các triền đá, sườn đồi. Những ngôi nhà sàn khi tỏ khi mờ trong sương sớm hay dập dìu trong làn khói lam chiều mỏng manh như sợi tơ trắng của bếp lửa hồng quanh năm không bao giờ tắt…

Trưởng bản kiêm Bí thư Ngân Văn Thêu kể rằng, người dân Sa Ná hiền lành, chất phác, cuộc sống của bà con dân bản nơi vùng cao biên giới dù trước đây còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở nhưng bình yên. 

Thế rồi, cơn lũ quét lịch sử diễn ra vào đầu tháng 8/2019 do ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến cuộc sống của người dân bản nghèo đảo lộn. Cả bản có 10 người chết, mất tích, hơn 50 ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng, hàng chục ha lúa, hoa màu và nhiều tài sản khác phút chốc bị dòng nước lũ nhấn chìm.

Chỉ sau một buổi sáng, bản làng bình yên ngày nào đã tan hoang, nhiều gia đình ở Sa Ná bỗng chốc trắng tay, vợ mất chồng, con mất cha… cả bản chìm trong tang tóc. 

Thời điểm đấy, Sa Ná là địa danh được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông. Cả nước, cả tỉnh, cả huyện đồng lòng hướng về Sa Ná - nơi nỗi đau tận cùng của con người hoàn toàn bất lực trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên. 

“Trong tận cùng nỗi đau đó, người dân Sa Ná được chia sẻ, đùm bọc trong tình yêu thương của cả đồng bào dân tộc. Lũ rút đến đâu, chính quyền địa phương, người dân và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ tập trung khắc phục hậu quả đến đó.

Sau trận lũ, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện, chỉ hơn 3 tháng nỗ lực thi công, một khu tái định cư tập trung mới có diện tích hơn 5,2ha trên đồi Pom Ngồ, cách bản Sa Ná cũ khoảng 1km được xây dựng. 

Sa Ná hồi sinh sau cơn lũ dữ, đón mùa xuân về trên bản làng - 2
 Đường vào trung tâm bản Sa Ná. (Ảnh: Quách Tuấn).

Khu tái định cư gồm 19 ngôi nhà xây cấp bốn, 32 căn nhà sàn truyền thống cùng với điểm trường mầm non, tiểu học, nhà văn hóa cộng đồng… đều khang trang, kiên cố, mang lại nơi an cư an toàn lâu dài cho người dân.

Bên cạnh hạ tầng khu tái định cư, con đường bê tông nối từ Quốc lộ 217 vào bản Sa Ná được đầu tư làm mới. Cây cầu cứng bắc qua dòng sông Luồng từ bản Bo Hiềng vào Sa Ná được xây dựng, việc đi lại của người dân trong bản ra trung tâm xã thuận tiện hơn, học sinh trở về trường chính không còn phải lo nghỉ học mỗi khi mùa lũ về…”, Trưởng bản kiêm Bí thư Ngân Văn Thêu nói.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới

Đã hơn 5 năm sau cơn lũ dữ, trở lại bản Sa Ná hôm nay, điều dễ nhận thấy là một diện mạo hoàn toàn mới. Những ngôi nhà sàn, nhà xây kiên cố được xây dựng theo hàng, theo lối, xung quanh nhà cây cối đã lên xanh, tươi tốt.

Những cành hoa giấy, hoa trạng nguyên, hoa mười giờ đỏ rực khắp các nẻo đường trong bản mang lại cảm giác ấm áp, bình yên. Sự khởi sắc ở Sa Ná không chỉ thể hiện qua cơ sở vật chất, hạ tầng của khu tái định cư mà còn thấy rõ qua chất lượng cuộc sống, nguồn thu nhập của người dân…

Sau lũ, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm, người dân bản Sa Ná đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Chính quyền xã Na Mèo đã chỉ đạo Chi bộ và các đoàn thể trong bản tổ chức lấy ý kiến nhân dân triển khai thực hiện xây dựng bản nông thôn mới.

Được sự đồng thuận cao của nhân dân, một năm sau, Sa Ná trở thành bản đầu tiên của xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong niềm hân hoan, phấn khởi của bà con nhân dân. 

Sa Ná hồi sinh sau cơn lũ dữ, đón mùa xuân về trên bản làng - 3
Cây cầu cứng bắc qua dòng sông Luồng từ bản Bo Hiềng vào Sa Ná giúp người dân đi lại thuận tiện. (Ảnh: Hoàng Đông).

“So với năm đầu tiên về bản tái định cư, cuộc sống bà con dân bản nay đã ổn định, khấm khá hơn, hầu như nhà nào cũng có tivi, internet... Từ khi khu tái định cư được hình thành trên đỉnh đồi Pom Ngồ cũng là lúc các loại cây ăn quả như mít, nhãn, bưởi da xanh... được trồng và đã cho thu hoạch.

Đặc biệt, vừa rồi huyện và tỉnh thực hiện chương trình trao sinh kế bằng cách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho các gia đình ở bản Sa Ná cả khu cũ và khu mới để phát triển kinh tế.

Nhiều gia đình còn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả cao. Các chương trình vốn vay ưu đãi đã trở thành “cầu nối” giúp bà con vùng lũ tái thiết cuộc sống, từ đó khơi dậy tinh thần vượt khó, quyết tâm làm lại từ đầu sau thiên tai…”, Trưởng bản kiêm Bí thư Ngân Văn Thêu chia sẻ. 

Ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết, một số bản ở xã Na Mèo thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở đất, trong khi nguồn lực đầu tư của địa phương thấp, là rào cản lớn trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Dù vậy, chính quyền địa phương cùng với người dân không ngừng nỗ lực cố gắng, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn từng bước được nâng lên. 

Sa Ná hồi sinh sau cơn lũ dữ, đón mùa xuân về trên bản làng - 4
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cùng người dân bản Sa Ná gói bánh chưng tết. (Ảnh: Quách Tuấn).

“Xã Na Mèo có 5/9 bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có bản Sa Ná đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Với bản Sa Ná, sau cơn lũ lịch sử năm 2019, huyện Quan Sơn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm ổn định cuộc sống và tạo sinh kế, việc làm… cho người dân. Sa Ná hiện có 78 hộ, 350 khẩu, thu nhập bình quân của người dân năm 2024 ước đạt trên 32,5 triệu đồng/người/năm.

So với bộ tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo đa chiều của Sa Ná vẫn cao, nhưng người dân cùng chính quyền địa phương quyết tâm giữ vững các tiêu chí cũ và không ngừng phấn đấu theo các tiêu chí mới để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…”, ông Huân nói.

Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo phối hợp tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, tại các bản trong xã với mong muốn mang đến cho bà con một cái tết đoàn viên, ấm cúng, vui vẻ.

Bên cạnh đó, tổ chức thăm hỏi, trao tặng quà cho các già làng, trưởng bản; động viên người dân phát triển kinh tế, nỗ lực xây dựng nông thôn mới; bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Người dân rất phấn khởi, đoàn kết để xây dựng và bảo vệ quê hương… 

Xã biên giới Na Mèo có 9 bản, là địa bàn cư trú của cộng đồng 4 dân tộc Thái, Mường, Mông và Kinh cùng sinh sống với 920 hộ/4.034 khẩu; trong đó 4 bản có đường biên giới giáp nước bạn Lào với chiều dài hơn 28,3km.

Địa hình rộng, chủ yếu là đồi núi, khe suối hiểm trở, giao thông đi lại ở một số bản còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập của người dân từ sản xuất nông, lâm nghiệp là chính, phương thức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ.

Với xuất phát điểm thấp, đến nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều còn cao. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của xã Na Mèo còn 24,46%, cận nghèo 28,59%...

Quách Tuấn

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ

Tin liên quan