Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

"Sản phẩm lỗi" là không thể chấp nhận

(Dân sinh) - Câu chuyện một số học sinh lớp 6 trường THCS - THPT Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) chưa đọc thông viết thạo khiến dư luận hết sức lo ngại.

Nhiều người đặt nghi vấn những trường hợp trên không phải cá biệt; nếu kiểm tra kỹ ở nhiều nơi khác, danh sách trường hợp tương tự có thể còn được... nối dài.

Quả là không thể chấp nhận chuyện học sinh đã học đến bậc THCS mà vẫn chưa "tiêu hóa" được những kiến thức lẽ ra phải hoàn thành từ... lớp 1 khi đã phải trải qua 11 kỳ kiểm tra, thi cử cuối học kỳ, cuối năm và cuối cấp. Còn nhớ thời Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" bị phanh phui ở một số nơi. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhằm sớm xóa bỏ tình trạng này. Thế nhưng đến năm 2016, học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng bị trả về lớp 1 vì chưa đọc thông viết thạo lại xuất hiện; năm 2019, trường THCS Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) dù đạt chuẩn quốc gia mà vẫn có đến 5 học sinh học xong lớp 6 nhưng đọc, viết còn kém...

"Sản phẩm lỗi" là không thể chấp nhận - Ảnh 1.

"Sản phẩm lỗi" là không thể chấp nhận. Ảnh minh họa

Học sinh không đạt trình độ tiêu chuẩn vẫn được lên lớp chẳng khác gì sản phẩm kém chất lượng vẫn được bộ phận kiểm tra chất lượng "cho qua" để đưa ra thị trường. Đó là những món hàng giả không hơn không kém. Đặc biệt, khi hàng giả là những con người không có kiến thức nhưng vẫn được cấp bằng này, chứng chỉ nọ để gia nhập thị trường lao động thì sự nguy hại đối với cộng đồng cũng như bản thân các em là rất lớn.

Qua trao đổi với một số giáo viên được biết, nhiều trường hợp học sinh học rất kém nhưng "không được phép ở lại lớp" vì như vậy sẽ ảnh hưởng tới thành tích của nhà trường, còn bản thân giáo viên có học sinh phải ở lại lớp cũng sẽ bị hạ bậc thi đua, ảnh hưởng đến quyền lợi.

Tình trạng học sinh tiểu học không tiếp thu được những kiến thức cơ bản trên thực tế không quá hiếm. Có nhiều nguyên nhân nhưng 2 nguyên nhân chủ yếu là: Chương trình "đi" quá nhanh, quá nặng khiến nhiều học sinh không theo kịp ngay từ bài học đầu tiên; thứ hai do giáo viên phải phụ trách lớp có đông học sinh, lại hạn chế về phương pháp sư phạm nên không thể bám sát để dìu dắt từng em, khiến một số em bị "rơi lại" phía sau do mất căn bản, càng học càng "đuối".

Theo một số chuyên gia giáo dục và phụ huynh, một trong những hạn chế của hệ thống giáo dục hiện nay là tình trạng giáo viên cố gắng nhồi nhét kiến thức cho học sinh một cách đại trà mà không quan tâm tới năng lực, tố chất riêng biệt của từng học sinh. Thực tế, không ít học sinh tiếp thu chậm hay nổi trội, xuất sắc ở môn học này nhưng hạn chế ở một số môn khác. Đó là chuyện bình thường, bởi sự phát triển trí tuệ ở trẻ là không đồng nhất. Thậm chí, một số trẻ có năng khiếu đặc biệt trong một số lĩnh vực nhưng có cá tính, học không giỏi, lại bị giáo viên thành kiến, xếp vào dạng "cá biệt", khiến năng khiếu bị thui chột...

Cá thể hóa tới từng học sinh được xem như xu thế của giáo dục tiên tiến, hiện đại trên thế giới nhưng lại là của hiếm trong nền giáo dục công lập ở Việt Nam.

Làm sao để hạn chế những "sản phẩm kém chất lượng" của giáo dục? Đó là câu hỏi khó mà đến giờ ngành vẫn chưa tìm ra giải pháp. Nhưng, dù khó thì vẫn phải nhìn thẳng vào sự thật và phải quyết tâm giải quyết. Bởi sẽ không thể có một nguồn nhân lực mạnh với những "sản phẩm lỗi" như vậy.