Tại Kỳ họp thứ 5, từ ngày 6/6 đến sáng 8/6 (2,5 ngày), Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn các vấn đề thuộc 4 lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Giao thông Vận tải; và Dân tộc.
Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính của nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Thời gian dành cho ông từ 8h sáng đến hết 2h30 chiều ngày 6/6/2023.
Ông cũng là thành viên Chính phủ đăng đàn đầu tiên, và là lần thứ 2 trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XV.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lại một lần nữa được lựa chọn để đăng đàn, cho thấy các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, an sinh xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội.
Các nội dung chất vấn gồm: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Bên cạnh đó là thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Giáo dục Đào tạo, Nội vụ.
Cho rằng, các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), các vấn đề về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội sẽ được đông đảo cử tri quan tâm nhất. Bởi vì đây là lĩnh vực rất rộng, bao trùm đời sống và gắn với các quyền lợi thiết thân của tất cả người lao động.
Trao đổi trước thềm phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, 4 nhóm vấn đề được lựa chọn đều là nội dung được cử tri, nhân dân và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương hết sức quan tâm. Đại biểu bày tỏ tin tưởng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phiên chất vấn sẽ diễn ra thẳng thắn, đúng trọng tâm, rõ giải pháp, tháo gỡ kịp thời những vấn đề “sát sườn” liên quan đến đời sống người dân.
Tiếp sau Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là 3 bộ trưởng được lựa chọn để trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Sau đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ có 90 phút báo cáo, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu.
Trước đó, chiều 02/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với các cơ quan về rà soát công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chất vấn là để cùng làm rõ vấn đề, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chất vấn không phải sát hạch hay "đánh đố" các Bộ trưởng, Trưởng ngành.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, góp phần thành công của phiên chất vấn không chỉ ở vai trò của người trả lời mà người hỏi cũng góp phần quan trọng. Theo đó muốn có được câu trả lời hay thì trước hết phải hỏi đúng, hỏi trúng với tinh thần xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quá trình phát triển không tránh khỏi có những nội dung chính sách, pháp luật cần sửa đổi, bổ sung nhưng không vì thế mà “đổ thừa” những vướng mắc, khó khăn đều do thể chế, pháp luật.
“Nếu vướng do pháp luật thì phải chỉ rõ nội dung vướng mắc, bất cập và đề xuất sửa đổi cụ thể điều nào, khoản nào. Mục tiêu cuối cùng là giải quyết được những bức xúc, những vướng mắc thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân. Nội dung trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành, dự thảo các kết luận, nghị quyết chất vấn cũng phải đi thẳng vào những việc phải làm, không nói chung chung”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.