Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sao một đằng, chất lượng một nẻo

Khách sạn tự "phong sao" khi chưa được công nhận, quảng cáo sai sự thật, xuống cấp ngay sau khi được công nhận là một thực tế đang xảy ra trong ngành du lịch. Tình trạng nể nang, châm chước, thiếu chặt chẽ trong quá trình xếp hạng, quản lý đã tiếp tay cho hành vi kinh doanh thiếu trung thực này tồn tại nên nhiều khách sạn sao một đằng, chất lượng một nẻo.

Chất lượng không tương xứng
Theo quy định hiện hành, Sở VH,TT&DL hoặc Sở Du lịch các địa phương là đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định, gắn sao cho khách sạn 1 sao và 2 sao. Khách sạn từ 3 sao trở lên, việc thẩm định cấp phép do Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở VH,TT&DL hoặc Sở Du lịch các địa phương thực hiện. Hiện việc gắn sao cho khách sạn đang được áp dụng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4391:2009 (thay thế TCVN 4391:1986) do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC228 "Du lịch và các dịch vụ có liên quan" biên soạn trên cơ sở dự thảo của Tổng cục DL(Bộ VH,TT&DL), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học - Công nghệ công bố. Trong phần quy định chung, các khách sạn tham gia xếp hạng được xét theo các tiêu chí: Vị trí kiến trúc; trang thiết bị tiện nghi; dịch vụ và chất lượng phục vụ; người quản lý và nhân viên phục vụ, bảo vệ môi trường an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi hạng sao sẽ tương ứng với những tiêu chí được "chẻ" ra rất khắt khe, riêng phần vị trí kiến trúc có tới 12 tiêu chí. Nếu thực hiện theo đúng tiêu chuẩn đã ban hành, thì chất lượng sao của các khách sạn Việt Nam không thua kém so với quốc tế.

 

 

Khách sạn Hanoi La Siesta ở phố Mã Mây đạt tiêu chuẩn 3 sao.


Tuy nhiên, qua khảo sát một số khách sạn tại các địa phương cho thấy, nhiều khách sạn có số sao không đúng với tiêu chuẩn. Tại Phố cổ Hotel ở phố Hàng Bè (Hà Nội), mặc dù nhân viên lễ tân giới thiệu đây là khách sạn 3 sao, đã được cơ quan quản lý nhà nước công nhận, nhưng số phòng khách sạn lại không đạt chuẩn. Khách sạn chỉ có 30 phòng, trong khi đó theo quy định, muốn được công nhận là 3 sao, phải có từ 50 phòng trở lên. Tương tự, khách sạn Hanoi La Siesta Hotel ở Mã Mây có đủ số lượng phòng theo tiêu chuẩn, phòng đẹp, đầy đủ tiện nghi, đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, song chỉ có chỗ để xe máy, nếu khách đi ô tô thì phải gửi tại bãi xe ở phố Trần Quang Khải. Hay tại khách sạn Asean Hạ Long Hotel (Quảng Ninh), tuy là 4 sao nhưng mạng internet chập chờn, khách muốn sử dụng internet phải sử dụng máy tính ở tầng 1, nhân viên phục vụ cũng thiếu chuyên nghiệp.

Ông Đặng Tiến Đạt, đại diện Lạc Hồng Travel cho biết, có không ít khách sạn nhìn bề ngoài có đủ hạng mục yêu cầu, nhưng thực tế có rất nhiều "vấn đề" như: Buồng tắm bị rò rỉ nước, tắc bồn cầu, trang thiết bị không đạt chuẩn... Không ít hạng mục chỉ mang tính đối phó với cơ quan chức năng. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, ngoài những khách sạn được gắn sao theo tiêu chuẩn nhưng bị xuống cấp theo thời gian, còn có không ít khách sạn tự "phong sao" cho mình. Có những khách sạn không gắn sao ở biển đề tên khách sạn, nhưng trên website thì lại gắn sao; một số trang web bán voucher thường quảng cáo giá phòng rẻ giật mình, tiêu chuẩn 3 sao với nhiều dịch vụ hấp dẫn, nhưng khi sử dụng, khách rất thất vọng.

 
Hà Nội hiện có 556 cơ sở lưu trú, trong đó có 15 khách sạn 5 sao, 15 khách sạn 4 sao, 45 khách sạn 3 sao, 142 khách sạn 2 sao, 308 khách sạn 1 sao, 7 khách sạn đạt tiêu chuẩn tối thiểu, 18 nhà nghỉ du lịch và 6 khu căn hộ du lịch. Các khách sạn ở Hà Nội được giới lữ hành đánh giá là đạt chuẩn cao nhất so với cả nước.
Quản lý chưa chặt chẽ

Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng lộn xộn này, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước dù đã ban hành tiêu chuẩn về việc xếp hạng sao cho các khách sạn, song vẫn có tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu. Chẳng hạn, chuẩn sao ở Hà Nội lại khác chuẩn sao ở một số địa phương miền núi như Hà Giang, Lạng Sơn... do việc “châm chước” của cán bộ trong quá trình thẩm định, công nhận sao. Bên cạnh đó, việc công nhận sao, nâng sao được thực hiện khá dễ, song việc hạ sao dường như còn khó khăn. Hiện vẫn còn tình trạng doanh nghiệp khi xây dựng thì cố gắng đạt đủ các tiêu chí theo chuẩn, sau đó bỏ bớt hoặc cắt xén để hạ chi phí. 

Chẳng hạn, muốn được công nhận 3 sao, khách sạn phải có nhà hàng, quầy bar phục vụ từ 6h đến 24h, song khi nhu cầu sử dụng dịch vụ tại nhà hàng, quầy bar của khách không lớn, khách sạn không thu được lãi, nên không ít khách sạn đã bỏ nhà hàng, quầy bar để giảm chi phí. Tình trạng lộn xộn trong việc quảng cáo sao khách sạn vẫn còn tồn tại là do công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt, rồi nương nhẹ, nể nang trong quá trình xử lý, dẫn đến bỏ qua cho hành vi vi phạm của khách sạn.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, nhận định, việc phát triển ồ ạt của các trang web đặt phòng online, kể cả trong nước và nước ngoài cũng góp phần "tiếp tay" cho tình trạng lộn xộn này. Để quảng cáo trên trang đặt phòng Agodabooking.com, chủ khách sạn chỉ cần đăng ký và thỏa thuận về giá và phần chiết khấu với trang web, chưa có quy định nghiêm ngặt chứng nhận số sao của khách sạn. Đây cũng là lý do của việc nhiều phòng ốc trên mạng đẹp lung linh, song trên thực tế thì xập xệ, bởi lẽ tất cả các ảnh đưa trên trang web đó đã được xử lý qua photoshop hoặc những kỹ xảo khác.

Sự lộn xộn về xếp hạng sao của khách sạn đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ và đặt ra yêu cầu cần phải chấn chỉnh ngay.