Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sạt lở, ngập sâu do ảnh hưởng bão tại Kon Tum - Đắk Lắk

Lê Nhuận
Lê Nhuận

Mấy ngày qua ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị sạt lở, ngập sâu làm cho các phương tiện giao thông bị ùn tắc cục bộ trong nhiều giờ.

Sạt lở, ngập sâu do ảnh hưởng bão tại Kon Tum - Đắk Lắk - 1
Nước ngầm tràn ngập đường vào mùa mưa (Ảnh: Ng L).

Trong ngày 19/9, ngầm tràn Kô Chất (thuộc tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh) bị ngập sâu từ 0,8-1,5m.

Đây là tuyến đường nối giữa huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông. Điều này khiến ô tô, xe tải chở hàng hóa, thực phẩm bị ách tắc, phải đậu 2 bên bờ. Người dân chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy trên chiếc cầu treo nhỏ ngay bên cạnh ngầm tràn.

Đến sáng nay, nước ngầm tràn đã bắt đầu rút xuống còn khoảng 80cm. Nhưng do nước chảy xiết cộng với việc sạt lở, các phương tiện giao thông vẫn chưa thể lưu thông bình thường.

Chính quyền địa phương đã nhanh chóng huy động 20 người tại thôn Kô Chất để khắc phục sạt lở 2 bên ngầm, chờ nước rút thông xe. Đồng thời, người dân còn khuân vác đá gia cố 2 bên ngầm để xe cộ có thể qua lại khi nước rút. Xã cũng đã cắm biển cảnh báo người dân không qua lại ngầm tràn khi mưa bão đổ bộ, nước dâng.

Sạt lở, ngập sâu do ảnh hưởng bão tại Kon Tum - Đắk Lắk - 2
Đường nối 2 thôn Đăk Bể và Đăk Bối, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei xảy ra tình trạng sạt lở sau mưa lớn (Ảnh: Ng L).

Ngày 20/9, Bí thư Đảng ủy xã Măng Bút Trần Lan Phương cho biết, đơn vị đã huy động 20 người dân thôn Kô Chất san gạt các vị trí sạt lở 2 bên ngầm tràn để nước rút cho các phương tiện được lưu thông, tuyến đường nối giữa 2 huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông (đoạn qua xã Măng Bút) ngoài ngầm tràn qua thôn Kô Chất, còn có 2 ngầm tràn khác qua các thôn Đăk Lanh, Đăk Giắt. 

Những năm qua, các ngầm tràn này thường xuyên bị ngập vào mùa mưa, gây chia cắt giao thông, cô lập các hộ dân trên địa bàn. Từng có trường hợp, người dân lái ô tô qua ngầm bị nước cuốn.

Đồng thời, các ngầm tràn bị cô lập khi nước dâng cao, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa vào các thôn, gây thiếu thốn lương thực, thực phẩm cho người dân mùa mưa bão.

“Trước tình trạng đó, chính quyền và bà con mong muốn có phương án bố trí kinh phí để sớm đầu tư, nâng cấp các cây cầu. Đặc biệt trong mùa mưa bão cuối năm, xã kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp cầu phao, cầu sắt để người dân qua lại an toàn, xe cấp cứu có thể ra vào ứng cứu người dân trong trường hợp xảy ra có sự cố,” bà Phương cho biết.

Trước đó vào ngày 19/9, đường nối 2 thôn Đăk Bể và Đăk Bối (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, Kon Tum) đã xảy ra tình trạng sạt lở. Các phương tiện giao thông di chuyển qua khu vực này cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, UBND xã Mường Hoong đã nhanh chóng khắc phục để giao thông di chuyển ổn định.

Tại huyện Tu Mơ Rông, người dân ghi nhận đường bê tông đoạn Km51 tỉnh lộ 672 (đầu thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng) có nhiều chỗ nứt gãy. Giữa nền đường và lề đường phía ta luy âm nứt lún rời 10-15cm, dài khoảng 25m. Hiện lực lượng chức năng đang tìm cách khắc phục.

Sạt lở, ngập sâu do ảnh hưởng bão tại Kon Tum - Đắk Lắk - 3
Người dân địa phương khắc phục sự cố (Ảnh: Ng L).

Tiếp đến, vào ngày 20/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 điểm nguy cơ sạt lở với các mức độ khác nhau.

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương xây dựng phương án cụ thể cho từng điểm, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Về lâu dài, chính quyền cần có phương án di dời cho những điểm có nguy cơ sạt lở.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin thêm, theo dự báo, hoàn lưu bão số 4 có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành các văn bản chỉ đạo đối với các địa phương, cơ quan chuyên môn sẵn sàng, chủ động ứng phó với nguy cơ có thể xảy ra các loại hình thiên tai, như ngập lụt, sạt lở…

Đặc biệt là ngập lụt, bởi những năm qua, nhiều khu vực trên địa bàn xuất hiện tình trạng ngập lụt khi mùa mưa đến.

Tại công văn chỉ đạo mới đây của UBND tỉnh Đắk Lắk, yêu cầu ngành giao thông chú ý, hướng dẫn cảnh báo trong mùa mưa lũ. Bởi mưa bão có thể dẫn đến chia cắt, đến ách tắc giao thông. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo công tác cảnh báo an toàn khi lưu thông qua các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở…

Đối với các công trình đập, hồ chứa nước, tỉnh cũng yêu cầu đơn vị khai thác, vận hành tăng cường kiểm tra, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp, nhất là các kịch bản mưa lớn, cực đoan; thực hiện điều tiết xả tràn theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.

Tin liên quan
Mạnh tay với thực phẩm bẩn!

Mạnh tay với thực phẩm bẩn!

(LĐXH) - Công an tỉnh Đắk Lắk đang mở rộng điều tra vụ án gần 3.000 tấn giá đỗ ủ hoạt chất 6-Benzylaminopurine (được gọi là “nước kẹo”), đã tuồn ra...