Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Số ca mắc bệnh tay chân miệng ở Quảng Nam cao thứ 3 khu vực miền Trung

Đến hết tháng 3/2021, toàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 282 ca mắc bệnh tay chân miệng, cao thứ 3 khu vực miền Trung.

Quảng Nam: Số ca mắc bệnh tay chân miệng cao thứ 3 khu vực miền Trung - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, theo thống kê, tính đến ngày 31/3/2021, khu vực miền Trung ghi nhận 1.564 ca mắc tay chân miệng, chưa có ca tử vong. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 282 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2020) và số mắc đang cao thứ 3 khu vực miền Trung.

Một số địa phương có số mắc cao, như: Điện Bàn (51), Duy Xuyên (39), Núi Thành (37), Thăng Bình (25), Tam Kỳ (24), Phú Ninh (19), Tiên Phước (18). Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận một số ca bệnh tay chân miệng nặng, gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe và tính mạng cho trẻ nhỏ.

Trước thực trạng nói trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các Sở, ban ngành, các địa phương triển khai biện pháp khẩn cấp tăng cường công tác phòng, chống bệnh, không để dịch bệnh tay chân miệng bùng phát và lan rộng trên địa bàn.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Y tế tỉnh chỉ đạo hệ thống y tế tuyến huyện theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, khống chế ca bệnh, không để bùng phát dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế; đồng thời, chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị chu đáo hậu cần, cơ sở vật chất và chuyên môn hỗ trợ các địa phương khi có dịch xảy ra. Sở có trách nhiệm tổ chức các lớp tập huấn công tác phòng, chống dịch tay chân miệng (nếu cần thiết).

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trường học (đặc biệt là các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, nhóm trẻ gia đình) phối hợp chặt chẽ với chính quyền, với ngành y tế ở địa phương triển khai các biện pháp thiết thực phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Việc tăng cường công tác giáo dục, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng để nâng cao hiểu biết, nhận thức nguy cơ và tác hại của dịch bệnh đồng thời chủ động, tự giác thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả cũng được đặt ra. Quảng Nam nghiêm cấm đưa tin sai sự thật gây hoang mang trong cộng đồng và xã hội.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng chỉ yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn với sự tham mưu của ngành y tế tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng ngay tại hộ gia đình, cộng đồng, đặc biệt là tại các nhà trẻ, trường mầm non, trường mẫu giáo trên địa bàn mình phụ trách. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến đồ ăn, nước uống của trẻ. Nắm chắc tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị, hạn chế tử vong và không để dịch bùng phát tại địa phương; đồng thời, thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh các ổ dịch để điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời.