
Một chú lợn tiết kiệm “nặng ký” thật tuyệt vời trong những lúc thiếu thốn. Ảnh: KT
Đọc báo để xem thiên hạ giải “bài toán” này thế nào?
Báo chí là “người thầy” của chúng ta trong nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực “Để sống đàng hoàng, dù thu nhập thấp” cũng vậy; ở đây có vô số lời khuyên chí lý từ đông, tây, kim, cổ. Để mọi người không cảm thấy mình bị lạc vào “ma hồn trận” kiến thức, tôi xin tổng hợp một cách tóm tắt lại những lời khuyên hữu ích của các chuyên gia.
Việc đầu tiên là những lời khuyên tiết kiệm (đương nhiên rồi, tiết kiệm là quan trọng nhất!). Có nhiều kiểu tiết kiệm như: Tiết kiệm tích cực có định kỳ, tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm tiền lẻ… Tóm lại, ở đây người ta bày cách làm thế nào để tiêu ít tiền nhất mà vẫn sống vui vẻ, thoải mái; nghĩa là tránh tiết kiệm thô thiển, thiếu khoa học.
Sau tiết kiệm là đến cách tổ chức cuộc sống thế nào cho phù hợp. Ở đây mọi hoạt động vẫn xoay quanh đồng tiền nhưng có mở rộng hơn, liên quan đến cả chi và thu. Đó là những hoạt động để tăng thêm thu nhập, giảm chi ở quy mô hàng quý, hàng năm, nghĩa là có kế hoạch tài chính dài hạn. Ở đây là những lời khuyên về tầm nhìn, cách đánh giá và định hướng giá trị, lựa chọn, công việc, chỗ ở, nơi học cho con sao cho phù hợp với tính cách và hoàn cảnh.
Nhóm lời khuyên thứ ba đi vào những vấn đề cụ thể như ăn uống hợp lý: Ăn sáng tại nhà, mang cơm đi làm, chọn thực phẩm ngon, rẻ cho bữa tối. Biết một ít về kỹ thuật như sửa những hư hỏng nhẹ của ô tô, xe máy, tủ lạnh, máy giặt… cũng có ý nghĩa. Nghĩa là trong nhà nên có một bộ dụng cụ cầm tay như cà lê, mỏ lết, máy khoan để có thể làm hết những sửa chữa, trang trí nội thất mà không phải gọi thợ chuyên nghiệp.
Những biện pháp các chuyên gia chưa nói tới
Phải nói ngay những lời khuyên chí lý trên đều đúng nhưng chúng đơn thuần là lý thuyết chung cho tất cả mọi người. Muốn áp dụng nó vào cuộc sống của mình, từng người phải đặt chúng vào hoàn cảnh riêng. Ví dụ, công chức sống ở thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì phải hành xử thế nào? Công chức sống ở Lào Cai, Quảng Ngãi, Cà Mau… tổ chức cách sinh hoạt ra sao? Giáo viên cần làm những gì sau giờ lên lớp? Công nhân sử dụng ngày nghỉ sao cho đúng?... Hơn nữa, chúng ta phải tìm ra những điều mà các chuyên gia chưa đề cập tới.
Hình như các chuyên gia không nhắc tới “nguyên lý” rành rành ra thế này: Khi chúng ta bận làm công việc của mình là lúc chúng ta không tiêu tiền; tiền chỉ bị tiêu đi khi chúng ta rỗi rãi. Vậy điều ai cũng phải ghi nhớ là: Hãy cảnh giác với những lúc rỗi rãi!
Như vậy, tìm cách bận rộn là một trong những biện pháp tiết kiệm tiền hiệu quả nhất. Hơn nữa, bận rộn bằng công việc có ích nhiều khi còn kiếm được tiền.
Trong quan sát của tôi, các gia đình tiêu rất nhiều tiền cho việc học hành của con cái. Đây chính là chỗ chúng ta có thể phải tính toán lại để tiết kiệm những khoản tiền lớn. Hiện nay, ở các thành phố lớn, chi phí cho việc học có thể gấp nhau hàng trăm lần. Ví dụ, vào học ở Trường Marie Curie mỗi tháng phải đóng khoảng 9 triệu đồng, trong khi đó, đại bộ phận các trường công thu mức không đáng kể. Vậy nếu thu nhập chưa cao, có nhất thiết phải đưa con vào những trường đắt tiền không? Điều này các bậc phụ huynh tự trả lời.
Không cần phải sử dụng phương tiện giao thông đắt tiền. Một chiếc xe máy SH có giá tiền cao gấp 5 lần một chiếc Wave. Đó là chưa kể xe SH tốn nhiều xăng hơn, gửi SH qua đêm cũng đắt hơn. Vậy việc gì bạn phải sắm xe SH?!
Tìm cách từ bỏ một số đám cưới cũng là cách tiết kiệm rất hiệu quả. Hàng ngày, nếu tiết kiệm tiền đi chợ, giỏi lắm bạn tiết kiệm được 50 ngàn đồng. Còn nếu “né” được một đám cưới, bạn tiết kiệm ít nhất gấp 10 lần như thế.

Chi tiêu hợp lý, có đường hướng rõ rang, cuộc sống sẽ trở nên đàng hoàng. Ảnh minh họa
Sống thế nào được xem là sống đàng hoàng?
Đáng ra chúng ta phải bàn luận và thống nhất điều này trước tiên nhưng tôi đề cập tới sau cùng cũng có ý của mình. Bởi vì, cứ để cuộc sống diễn ra tự nhiên, rồi chúng ta nhìn vào đó và nghĩ xem có đàng hoàng hay không. Nói tóm lại, bài viết này chỉ nhằm tác động đến suy nghĩ, làm thay đổi, làm mới nhận thức của các bạn chứ không có ý định phán xét.
Sống đàng hoàng, trước hết là sống thoải mái, tự tin trong sinh hoạt hàng ngày. Muốn vậy, trước hết không nên nợ nần ai; càng không nên vay tiền để uống rượu, đánh bài, mua quần áo...
Thứ hai, không nên để trở thành “điển hình” của sự ki bo, bủn xỉn (nếu tiết kiệm không khoa học, thiếu tinh tế sẽ rơi vào trường hợp này). Đừng sống theo kiểu “có 900 ngàn đồng rồi, vay thêm 100 ngàn nữa để gửi tiết kiệm 1 triệu đồng”!
Thứ ba, nói trước những điều mình sẽ làm và nói sao, làm vậy. Ví dụ, “né” đám cưới không phải là chuyện hay nhưng có thể nói là mình sẽ không dự đám cưới này trước hoặc trong khi được mời.
Thứ tư, cần có bản lĩnh để từ chối những việc mình không thích, những món tiền không chính đáng. Đây là việc khó nhưng có thể làm được nếu chúng ta quyết tâm sống đàng hoàng.
Như vậy, dù chúng ta có thu nhập thấp nhưng chúng ta có đường hướng, có quan điểm, có biện pháp thì chúng ta vẫn sống đàng hoàng được. Sống đàng hoàng, suy cho cùng là ưu tiên sự thoải mái về tinh thần trên cơ sở chúng ta hiểu rõ mình và hiểu đúng môi trường mình sống và làm việc.
Sống đàng hoàng, trước hết là sống thoải mái, tự tin trong sinh hoạt hàng ngày. Muốn vậy, trước hết không nên nợ nần ai; càng không nên vay tiền để uống rượu, đánh bài, mua quần áo...; ưu tiên sự thoải mái về tinh thần trên cơ sở chúng ta hiểu rõ mình và hiểu đúng môi trường mình sống và làm việc.
Hồ Nguyên/TC GĐ&TE