Nhạc sĩ Song Ngọc tên thật là Nguyễn Ngọc Thương (1943 - 2018) quê ở Long Xuyên. Năm 1961, khi vẫn là một cậu học trò, Song Ngọc phổ nhạc cho bài thơ Tiễn biệt của Nguyên Sa, cũng là bài thơ đầu tiên của thi sĩ nổi tiếng này được phổ nhạc. Bài hát đầu tiên của ông ra đời một cách tình cờ nhưng đã báo trước một tài năng âm nhạc đặc biệt. Tài năng ấy vụt sáng và nổi tiếng suốt giữa những thập niên 60 trở đi với nhiều thể loại âm nhạc.
Song Ngọc để lại cho hậu thế hơn 300 nhạc phẩm với nhiều tiết điệu, thể hiện những hoàn cảnh và tâm tình khác nhau. Sự nghiệp sáng tác của ông đa dạng, phong phú về giai điệu lẫn thể loại. Trong đó, Xin gọi nhau là cố nhânlà nhạc phẩm bất hủ viết về đề tài tình yêu đã đi sâu vào lòng bao thế hệ… Ngoài ra, ca khúc Đàn bà được nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác vào giữa thập niên 90 nhanh chóng làm “điên đảo” người yêu nhạc bởi lối tư duy và phong cách âm nhạc khác lạ chưa từng xuất hiện. Cho đến nay, dường như không có nhạc sĩ Việt Nam nào viết về người đàn bà với giọng điệu trách móc nhưng vẫn đầy yêu thương như trong ca khúc này. Song Ngọc còn thực hiện 5 băng nhạc mang tên ông được nhiều người tìm nghe nhưng đằng sau tất cả những tác phẩm ấy là một nghệ sĩ kín tiếng.
Ca sĩ Ngọc Ánh kể lại, chị may mắn gặp gỡ nhạc sĩ Song Ngọc. Các show diễn của chị ông đến xem và dành cho Ngọc Ánh rất nhiều lời khen: “Anh hơi đậm người, nụ cười hiền lành, giọng Nam Bộ dễ mến, vui tính. Các bài hát của anh nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng anh rất khó tính trong chuyên môn âm nhạc. Tôi chưa hát nhạc anh ấy ở trên sân khấu nhưng ngoài đời, tôi thuộc làu, hát nhạc anh rất nhiều đặc biệt là ca khúc Xin gọi nhau là cố nhân, Tình yêu như bóng mây, Đàn bà”.
Riêng ca sĩ Phi Nhung, kỷ niệm của chị với nhạc sĩ Song Ngọc khi chị tham gia một số chương trình do ông làm bầu show và hát rất nhiều các bài hát của ông. Phi Nhung kể: “Thời điểm tôi làm show kỷ niệm 20 năm ca hát. Tôi hát trên sân khấu nhìn thấy chú Song Ngọc ở dưới khán đài “khóc như mưa”. Chú nói chú nhìn thấy thành công của tôi, từ lúc tôi chập chững lên sân khấu, còn chưa biết cách cầm micro và đến thời điểm hiện tại, khiến chú xúc động. Một tuần trước khi chú qua đời, chú còn gọi điện từ bên Mỹ về Việt Nam gặp tôi. Chú nói chú mới sáng tác bài Thất tình ca cho tôi với anh Mạnh Quỳnh, bài hát rất hợp với giọng hai đứa. Một tuần sau, chú mất. Tôi và anh Mạnh Quỳnh vừa thu, vừa khóc rất nhiều. Bài Đàn bà, chú viết cho một người bạn thân là nhạc sĩ, chú không phải viết về chuyện tình của chú”.
Trong chương trình, biên tập, nhà báo Minh Đức tiết lộ bút danh Song Ngọc được báo chí đưa tin Song Ngọc ghép từ tên của mình với người bạn gái tên là Ngọc (Song Ngọc = Ngọc + Ngọc). Tuy nhiên, theo như chính nhạc sĩ chia sẻ, mối tình của ông với người bạn gái không là tình yêu, chỉ là bạn bè đơn thuần. Song Ngọc chính là tên của nhạc sĩ ghép với người anh trai cũng có chữ Ngọc. Nhiều ca khúc của Song Ngọc ra đời tình cờ nhưng cũng có nhiều bài hát thật sự bắt nguồn từ những câu chuyện cụ thể. Nhạc sĩ Song Ngọc khi bước vào tuổi 14 - 15 tuổi, ông cảm nắng với một cô bạn cùng trường. Sau thời gian chuyển đi xa, ông quay trở lại Sài Gòn gặp lại cô bạn đó, nhưng người ấy dành cho ông sự dửng dưng. Ông thất vọng, tiếc nuối nên đạp xe đến tận nhà cô. Khi ấy, ông nhìn thấy cô đang học hát với một người nhạc sĩ. Khi ấy, Song Ngọc đã tự nhủ sẽ trở thành nhạc sĩ và nổi tiếng hơn người nhạc sĩ đó. Mối tình không trọn vẹn, nhưng ông đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng sau đó.
Một ca khúc nổi tiếng khác là Tình yêu như bóng mây được Song Ngọc viết khi ông ở Đà Lạt vào năm 1971 - 1972. Năm 1973, bài hát phổ biến đến công chúng, người thể hiện rất thành công cũng là một người có rất nhiều kỷ niệm với Đà Lạt đó chính là danh ca Khánh Ly.
Ngoài những chia sẻ, hoài niệm của các khách mời trong chương trình, khán giả còn được lắng nghe những bài hát nổi tiếng của Song Ngọc như: Định mệnh (Thái Châu), Tình yêu như bóng mây (Giao Linh), Bội bạc (Duyên Quỳnh), Đàn bà (Henry Ngọc Thạch), Xin gọi nhau là cố nhân (Khánh Hoàng), Giờ xa lắm rồi ( Hà Thuý Anh).