Chiến thắng của lòng can đảm
Như mọi ánh mắt trên thế giới nhiều ngày qua đều nhìn về Chiang Rai (Thái Lan), nơi Ekkapol Chantawong, người huấn luyện viên 25 tuổi, cùng 12 cậu bé thành viên đội bóng nhí địa phương Moo Pa (Lợn Hoang) kẹt lại trong hang hệ thống Tham Luang dài gần 10km.
Cả thế giới dõi theo từng dòng cập nhật về chiến dịch giải cứu quy mô lớn nhất lịch sử Thái Lan. Một chiến dịch giải cứu khổng lồ được khởi động với sự tham gia của hơn 1.000 người, gồm quân đội, các lực lượng cứu hộ Thái Lan và hàng trăm tình nguyện viên trên khắp thế giới. Hệ thống hang động phức tạp, cấu trúc hiểm trở và vô số khúc cua hẹp của Tham Luang khiến những thợ lặn lão luyện cũng phải e dè. Nhiều khúc quanh chỉ rộng vừa đủ cho 1 người bò qua, nhưng cũng có những đoạn phải lặn đến cả chục mét. Có lúc đội thợ lặn của Hải quân Hoàng gia Thái Lan phải ngưng tìm kiếm và quay ngược trở về vì dòng nước ngầm quá mạnh, đe dọa đến tính mạng.
Suốt nửa tháng, các cậu bé có độ tuổi từ 11 – 16 của đội bóng Thái Lan đã bị cô lập trong một môi trường ẩm ướt, chật hẹp, không có ánh sáng tự nhiên. Với điều kiện sống như vậy, các em hoàn toàn có thể bị hoảng loạn tâm lý, suy giảm khả năng hô hấp, giảm thân nhiệt và nhiễm trùng phổi. Đồng thời, cơ thể bị mất nước, suy dinh dưỡng, dễ bị nhiễm khuẩn do sức đề kháng giảm cũng là điều mà các em phải đối mặt khi sống trong hang khá lâu. Bên cạnh đó, những thiếu niên này cũng phải trải qua cảm giác sợ hãi, bất lực và tuyệt vọng vì không biết mình có được giải cứu hay không. Đặc biệt, là ở độ tuổi như các em, phải trải qua tình thế nguy hiểm như vậy rất dễ có những cảm xúc tiêu cực và không được bình tĩnh như những người trưởng thành.
Người ta nhắc nhiều đến huấn luyện viên Ekkapol Chantawong với sự cảm ơn và sự chia sẻ sâu sắc. Là một trong những người được đưa ra khỏi hang cuối cùng, dù đã kiệt sức nhưng Ekkapol vẫn kiên quyết bám trụ trong hang cùng những cầu thủ thiếu niên cuối cùng để động viên, chia sẻ và sống cùng các em trong những thời điểm khó khăn, cam go nhất. Trưởng thành dưới tình yêu thương của những người họ hàng và đã có 3 năm nương nhờ nơi cửa Phật, có lẽ, chính những tình cảm mà anh nhận được suốt 15 năm qua đã biến “một cậu bé lúc nào cũng buồn bã và cô độc” thành một thanh niên vui vẻ, giàu lòng nhân ái.
Bạn bè và đồng nghiệp của Ekkapol đều nói rằng, Ekkapol quan tâm đến tất cả thành viên đội bóng như những người thân ruột thịt. Điều này chắc chắn không hề sai, vì chính hành động nhường lại phần ăn, nước uống ít ỏi của mình cho bọn trẻ trong suốt 10 ngày khi chưa được tìm thấy đã chứng minh cho điều đó. Và trên hết, tất cả mọi người đều nhận thấy, chính nhờ có tình thương và những kinh nghiệm sinh tồn mà Ekkapol đã dạy cho các cậu bé, cả 13 thành viên đội bóng mới có thể sống sót cho đến ngày được tìm thấy.
Trong suốt thời gian cam go thử thách lạc trong hang sâu, chính anh đã thức dậy trong các em niềm tin, lòng can đảm vượt qua sợ hãi, là điều mà Ekapol đã làm, từ anh bức thư của các em được gửi ra chính là ý chí, niềm yêu thương, hy vọng dành cho gia đình. Bức thư của Ekapol là sự chân thành, lời hứa của con tim: Tôi hứa sẽ chăm sóc bọn trẻ một cách tốt nhất. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những người hỗ trợ và tôi nợ mọi người lời xin lỗi.

Hình ảnh nước ngập trong hang Tham Luang. Ảnh: Internet
Lòng dũng cảm dưới hình hài thuần khiết
Hàng triệu người trên thế giới chờ đợi phép màu xảy ra. Nhưng phép màu có được trước hết bởi sự sáng suốt, quả cảm, sẵn sàng xả thân của lực lượng cứu hộ đa quốc gia, ở tại nơi có thể dễ dàng mất đi sinh mạng.
Vượt qua hết những khó khăn đó, hoàn thành nhiệm vụ giải cứu 13 thành viên đội đóng, đòi hỏi sự nỗ lực phi thường. Bên cạnh khả năng sinh tồn phi thường của thầy trò Ekkapol, điều kỳ vĩ lay động hàng triệu trái tim theo dõi chiến dịch chính là sự đoàn kết không biên giới của những người tham gia cứu hộ. Hơn 1.000 người từ khắp Thái Lan và nhiều nước trên thế giới đã tụ hội về Tham Luang. Đó là hải quân, công binh, cứu hộ chuyên nghiệp được phân công đến tác chiến, và những tình nguyện viên từ các tỉnh của Thái Lan đến tận tình, bền bỉ giúp đỡ. Một người lính đặc nhiệm đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Nhà văn người Mỹ Jay Parini viết sau sự kiện này: Sự đoàn kết này là một biểu tượng giàu sức lay động. Họ giúp chúng ta nhìn thấy một thế giới nơi mọi người có thể cùng sát cánh bên nhau, hỗ trợ nhau hướng đến một mục tiêu chung. Trong hang động đó, không còn sự phân biệt về màu da, không còn những khác biệt về tôn giáo và cũng không ai màng thắc mắt về giới tính của bạn. Không ai khoác lên mình lớp vỏ bọc của lá quốc kỳ hay những lập luận hoài nghi trước khoa học. Đây là một trong những lần hiếm hoi giữa thời đại này chúng ta nhìn thấy điều phi thường con người có thể đạt được, bất chấp những khó khăn ngoài sức tưởng tượng, nếu như chúng ta đoàn kết, quên mình vì một điều quan trọng hơn bản thân. Đó là lòng dũng cảm dưới hình hài thuần khiết nhất.

Thắp lên ngọn lửa yêu thương đoàn kết
Sứ mệnh đã thành công nhờ vào sức mạnh của tình yêu thương. Mọi ngăn cách giữa người với người như được xóa nhòa ở Tham Luang. Những phán xét không còn ngự trị, thay vào đó là sự đồng lòng vì sinh mạng của những người đang gặp hoạn nạn.
Những nỗ lực phi thường giờ đã thuộc về quá khứ. Những người anh hùng thầm lặng đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình là trả lại cho những đứa trẻ cuộc sống bình dị thường ngày.
Nhật Nam/GĐTE