Trang trại bò sữa phải được nuôi đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và dinh dưỡng cho bò sữa. Ảnh minh họa
Thị trường sữa phát triển nhanh và cần sự minh bạch
Thị trường sữa Việt Nam phát triển vào loại nhanh nhất; có người còn khẳng định: “phát triển nhanh chưa từng thấy trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước”. Con số thống kê cho thấy, bình quân, ngành này tăng trưởng 17%/ năm trong giai đoạn 2011 - 2015.
Nhưng mọi thứ chưa dừng lại, theo dự đoán, các con số kỷ lục này được dự báo sẽ bị phá trong thời gian ngắn sắp tới. Vì sao vậy? Vì ngành sữa tại Việt Nam quá hấp dẫn về tiềm năng, với thị trường trên 93 triệu người và tốc độ tăng dân số cao, khoảng 1,2%/năm. Người Việt Nam khao khát cải thiện thể hình của mình, đặc biệt là chiều cao; sữa là loại thực phẩm cho phép hi vọng. Theo các chuyên gia, nếu uống sữa đều đặn từ lúc mới sinh, con cái có thể cao lớn hơn bố mẹ từ 10 – 15%.
Điều này chính xác đến mức độ nào thì còn phải chờ thời gian và cách tính toán của các chuyên gia. Trên thực tế, từ gia đình cho đến quy mô quốc gia đều cố gắng tìm cách cho trẻ em được uống sữa. Điều này khiến thị trường luôn luôn sôi động. Chỉ riêng trong năm 2015, ngành sữa Việt Nam đã ghi nhận mức sản lượng sữa các loại cao nhất từ trước đến nay, với 97,3 nghìn tấn sữa bột và 1.103,8 triệu lít sữa nước. Một điều thấy rõ là 75% thị phần sữa bột hiện nay thuộc về các doanh nghiệp ngoại. Doanh nghiệp nội khó làm thay đổi cán cân trong thời gian tới. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam dồn lực cho thị trường sữa nước.
Theo Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước sẽ đạt 1 tỷ lít, đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít, đáp ứng 40% nhu cầu tới năm 2025. Mọi thứ sẽ phát triển thuận lợi theo kế hoạch nếu như không có sự xâm lấn của loại sữa hoàn nguyên, hay nói một cách dễ hiểu là sữa khô pha lỏng.
Điều đáng nói ở đây là người ta nhập sữa bột ở nước ngoài về, pha lỏng, chế biến thành sữa nước, đề trên bao bì một cách mập mờ và bán ra thị trường. Giá thành loại sữa này thấp hơn nhiều so với loại sữa tươi sản xuất bằng nguyên liệu trong nước. Chất dinh dưỡng của loại sữa này thua xa sữa tươi nhưng giá bán gần như ngang ngửa nhau. Do vậy, ở đây có sự cạnh tranh không lành mạnhg, hơn thế nữa, có sự gian lận ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng. Thị trường sữa nước rất cần sự minh bạch.
Buồn thay, sự mập mờ vẫn tiếp tục

Sữa tươi thanh trùng được làm từ nguồn sữa tươi thô (vắt từ bò sữa) - được xử lý với nhiệt độ 72 - 75 độ C,
sau đó giữ mát ở 4 độ C. Ảnh minh họa
Như chúng ta biết, báo chí đã từng lên án mạnh mẽ sự mập mờ ghi trên bao bì của các loại sữa nước. Người tiêu dùng thường thấy ghi như sau: “sữa tươi thanh trùng”, “sữa tươi tiệt trùng”, “sữa tiệt trùng”… Trên thực tế, hầu hết các loại sữa nước của Việt Nam được làm từ 2 nguồn nguyên liệu: sữa tươi và sữa khô (sữa bột). Về bản chất, hai loại sữa này có chất lượng hoàn toàn khác nhau. Sữa tươi thực sự là sữa vắt từ con bò rồi chế biến và bảo quản. Sữa tươi thường có hai loại: sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng. Sự khác nhau giữa hai loại sữa này là ở công nghệ chế biến và điều kiện bảo quản.
Sữa tươi thanh trùng được làm từ nguồn sữa tươi thô (vắt từ bò sữa) - được xử lý với nhiệt độ 72 - 75 độ C, sau đó giữ mát ở 4 độ C. Để đảm bảo chất lượng, sữa thanh trùng luôn phải được bảo quản trong một điều kiện hết sức nghiêm ngặt và hạn sử dụng ngắn, chỉ trong vòng 10 - 15 ngày.
Sữa tươi tiệt trùng cũng được làm từ nguồn sữa tươi thô và được xử lý với nhiệt độ 138 - 140 độ C trong thời gian rất ngắn, sau đó giữ mát ở 12 độ C; hạn sử dụng trong vòng 6 tháng.
Loại sữa nước thứ ba được làm từ sữa khô (sữa bột) ; người ta pha sữa khô với nước (có thể pha thêm cả sữa tươi) ở nhiệt độ 138 - 140 độ C, sau đó bảo quản ở nhiệt độ thường, sử dụng trong vòng 6 tháng. Như vậy, loại sữa này không phải sữa tươi nhưng nhiều hãng sản xuất vẫn ghi trên bao bì là “sữa tươi tiệt trùng”, hoặc “sữa tiệt trùng”. Đây là sự gian lận. Sữa khô pha thành sữa nước, được gọi là sữa hoàn nguyên. Vì vậy, đáng ra loại sữa này phải ghi rõ “sữa hoàn nguyên tiệt trùng”, nhưng người ta đã không ghi rõ như vậy.
Thời gian vừa qua, sự mập mờ này đã bị lên án mạnh mẽ. Cứ tưởng, người ta đã khắc phục rồi; song, sự mập mờ vẫn tiếp tục. Người ta làm thế vì lợi nhuận. Giá thành của sữa tươi cao hơn sữa hoàn nguyên nhiều lần, nhưng khi bán cho người tiêu dùng, giá ngang ngửa nhau. Hầu hết người tiêu dùng hiện nay không phân biệt được đâu là sữa nước làm từ nguyên liệu sữa bột, đâu là sữa tươi nguyên chất. Vì vậy cần phải ghi rõ trên bao bì, nhãn mác các sản phẩm được bày bán trên thị trường.
“Sữa học đường” rất cần sự minh bạch

Trẻ em trong độ tuổi đến trường cần được uống sữa đủ tiêu chuẩn “Sữa học đường”. Ảnh minh họa
Sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 38% tổng nhu cầu nguyên liệu để sản xuất sữa nước và tiêu dùng, còn lại đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trên thực tế, không có doanh nghiệp nào nhập sữa tươi để chế biến. Lý do rất đơn giản là không thể bảo quản để bảo đảm chất lượng được. Thực tế này cho thấy là loại sữa nước được pha chế từ sữa bột vẫn chiếm một lượng lớn trên thị trường.
Trong khi đó, Việt Nam đang thực hiện Chương trình “Sữa học đường” nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học. Mục tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học, đạt 90 - 95% vào năm 2020; đến 2020, chiều cao trung bình của trẻ độ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 – 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Các chuyên gia chỉ rõ: Trẻ em trong độ tuổi vàng từ 2-12 tuổi cần uống những loại sữa tươi đúng với tiêu chuẩn “Sữa học đường”, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có vi chất phù hợp mới mong cải thiện được chiều cao. Vì vậy, rất cần sự minh bạch trong việc ghi trên bao bì để nhà trường không nhầm lẫn.
Điều đáng mừng là nhiều doangh nghiệp sữa lớn của Việt Nam đã tham gia Chương trình “Sữa học đường”. Tập đoàn TH True Milk đã tiên phong nghiên cứu, kiểm nghiệm lâm sàng sữa học đường trên 3.600 học sinh và cho ra đời sản phẩm TH school MILK. Đây là sản phẩm sữa học đường duy nhất được Bộ Y tế xác nhận có hiệu quả trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em.
Như vậy, chúng ta cần phải khẳng định: Chỉ có sữa nước được chế biến từ sữa tươi mới có thể đủ tiêu chuẩn “Sữa học đường”.
Nói đủ rồi, làm thôi!
Về việc nhập nhèm giữa sữa tươi và sữa khô pha chế, các chuyên gia cũng như báo chí đã nói nhiều rồi. Sữa khô pha chế thành sữa nước thua xa sữa tươi về mặt dinh dưỡng. Hãy nói rõ điều này!
Cho đến thời điểm này, người tiêu dùng ít nhìn thấy trên bao bì của các loại sữa nước bày bán ghi rõ: “Sữa hoàn nguyên”, hay “Sữa pha chế từ sữa bột”. Doanh nghiệp không ghi lên bao bì những dòng chữ như vậy với mong muốn là người tiêu dùng nhầm với sữa tươi. Vì cơ quan chức năng không cương quyết nên các doanh nghiệp mới có thể làm như vậy. Bây giờ chúng ta phải cương quyết!
Đại diện Bộ Y tế đã nói trước các cơ quan báo chí là thời gian tới, Bộ Y tế buộc các doanh nghiệp chế biến sữa nước từ sữa khô phải ghi rõ nguồn gốc. Nhưng nếu các doanh nghiệp không thực hiện thì sao? Có chế tài xử phạt chưa? Xử phạt đến mức nào?
Các chuyên gia đã chỉ rõ, nếu chỉ xử phạt bằng tiền, các doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm. Vì sao vậy? Vì số tiền phải nộp phạt không thấm tháp gì so với lợi nhuận họ có được nếu họ mập mờ trong việc ghi quy cách sản phẩm. Do vậy, ở đây cần có biện pháp mạnh; cụ thể, nếu các doanh nghiệp cố tình vi phạm, phải rút giấy phép kinh doanh. Chỉ có rút giấy phép kinh doanh thì các doanh nghiệp mới sợ.
Về quy cách, phẩm chất, giá trị các loại sữa, chúũng ta nói nhiều rồi; thiết nghĩ, người tiêu dùng đã đủ thông tin để đưa ra sự lựa chọn của mình. Việc cần thiết hiện nay là cương quyết làm những gì đã nói. Như thế mới mong con em chúng ta có cơ hội uống sữa đủ tiêu chuẩn để cải thiện tầm vóc.
Trọng Đàm
Hồ Bất Khuất/GĐ&TE