Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sức mua Tết 2024 dự kiến tăng nhẹ trên 10%

Thành Công
Thành Công

Dự kiến sức mua Tết 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu đã được các doanh nghiệp dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.

1a.jpg
Dự kiến sức mua Tết 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ (Ảnh minh hoạ)

 

 

Một số địa phương doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%).

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). 

Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 11,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,5%; may mặc tăng 7,1%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,4%.

Cũng theo Bộ Công Thương, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với năm trước như: Quảng Ninh tăng 12,2%; Bình Dương tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đồng Nai tăng 9,1%; Cần Thơ tăng 8,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%; Hà Nội tăng 7,1%; Đà Nẵng tăng 5,9%...

''Nhìn chung, tình hình thị trường trong nước tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa luôn được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm 2022 và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19'', báo cáo nêu.

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.

Đến nay một số địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024, trong đó giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá

Bên cạnh đó, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.

Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.

Sở Công Thương các địa phương như TP. Hà Nội, Hồ Chí Minh đa làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mại, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng phối hợp tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Thành Công

.