Bác sĩ Nhâm Tuấn Anh đang khám cho bệnh nhân bị viêm tai. Ảnh: Đức Dương
Nguy hiểm thói quen ngoái tai ở người lớn và trẻ nhỏ
Chị N.T.H ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đưa con gái đến khám bác sĩ chuyên khoa 1 - Nhâm Tuấn Anh, Bệnh viện Xanh-pôn (Hà Nội) trong tình trạng tai bị viêm nặng, có mùi hôi, rỉ mủ máu, kèm theo đau nhức.
Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết, rất may là gia đình phát hiện sớm, bé mới chỉ bị viêm nhiễm tai ngoài, chưa kịp vào đến tai giữa.
Mới chỉ là viêm nhiễm tai ngoài nhưng các bác sĩ phải rất mất công làm vệ sinh tai cho bé, kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm và thuốc nhỏ tai. Về phần gia đình, cứ 2 ngày lại phải đưa bé đến viện để các bác sĩ thăm khám, làm vệ sinh, tra thuốc trong vòng 1 tuần.
Hỏi ra mới biết, con chị H. thường xuyên lấy tăm bông ngoáy sâu vào trong tai khi cảm thấy ngứa sau mỗi lần đi bơi. “Chảy máu tai do làm rách da ống tai là một trong những tai biến hay gặp nhất của việc ngoáy tai, có khi còn làm rách, thủng cả màng nhĩ, phải mổ rất đau, quá trình điều trị rất phức tạp. Khi bị ngứa tai, không nên tự ý ngoái tay mà nhớ đến bác khám.” - Bác sĩ căn dặn.
Không chỉ trẻ em, mà ngay cả người lớn cũng không nhận thức được tác hại từ việc thường xuyên lấy ráy tai, vì họ nghĩ đó là nguyên nhân gây ngứa tai. Rất nhiều người, đặc biệt là đàn ông, thường đến hiệu cắt tóc lấy ráy tai. Viêm ống tai ngoài là biến chứng thường gặp nhất do lấy ráy tai. Triệu chứng ban đầu là ngứa tai: ngứa ngày càng tăng, càng ngoáy càng thấy ngứa. Sau đó, bệnh nhân thấy tức trong ống tai rồi đau tai. Đau tăng nhanh, đau nhức nhối, đau lan lên đầu. Nhiều bệnh nhân thấy đau giật lên nửa đầu, đau tăng lên khi nhai, khi ngáp. Trường hợp nặng có thể xuất hiện sốt, sưng tấy nửa mặt bên tai đau, chạm nhẹ vào vành tai cũng rất đau. Mặt khác, lấy ráy tai không đúng cách có thể đẩy khối ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, bám sát vào màng nhĩ gây đau tai, ù tai và nghe kém.
Viêm ống tai ngoài là biến chứng thường gặp nhất do lấy ráy tai. Ảnh minh họa
Bệnh nhân hỏi, bác sĩ trả lời
? Tôi năm nay 34 tuổi, ngày bé từng bị viêm tai giữa bên phải. Sau này, thỉnh thoảng tôi có bị đau tai nhẹ, sau tự hết. Tôi có một thói quen là thường ngoáy tai bằng bông tăm. Cách đây khoảng một tháng, tôi thấy đau tai và giảm thính lực nhẹ, sau đau lan xung quanh hàm và hốc mắt, có biểu hiện ngạt mũi nhẹ, hạch dưới góc hàm đau nhẹ nhưng không sưng to, không ho, không chảy nước mũi, nuốt không thấy nghẹn, tai không chảy nước. Tôi đã đi khám bác sĩ chuyên khoa về tai - mũi - họng và được kết luận: hốc mũi, vách ngăn mũi bình thường, họng không có khối u. Bác sĩ kết luận viêm tai thanh dịch và được kê đơn thuốc điều trị. Nhưng đã hơn một tháng mà bệnh không thuyên giảm, các triệu chứng trên vẫn còn. Vậy xin hỏi bác sĩ, tôi bị bệnh gì? (Nguyễn Lương Ngọc, Đông Hưng, Thái Bình)
Trả lời:
Anh không nên quá lo lắng vì đã được bác sĩ tai - mũi - họng khám, vì vậy các tình trạng nguy hiểm như ung thư vòm mũi họng, hoặc những bệnh lý nguy hiểm khác đã chắc chắn được loại trừ.
Nếu anh bị viêm ống tai ngoài thì khi kéo vành tai hoặc nằm đè lên bên tai bệnh, sẽ có cảm giác đau. Tình trạng đau tai có thể lan ra xung quanh đôi khi làm anh đau cả nửa đầu phía bên tai bệnh. Tình trạng này rất dễ dàng chẩn đoán, vì khi khám bác sĩ sẽ thấy da ống tai sưng đỏ đôi khi bít cả lỗ tai ngoài, hoặc một mụt nhọt trong da ống tai ngoài nếu có trong trường hợp nhọt ống tai. Bệnh thường khỏi sau 7 ngày điều trị kháng sinh, kháng viêm và giảm đau đúng cách.
Nếu anh bị viêm tai giữa thanh dịch, hoặc bị tắc vòi nhĩ thì thường là cảm giác đau sâu trong tai, không đau khi kéo hoặc ấn vào vành tai. Để chẩn đoán chính xác, sau khi nội soi kỹ mũi, vòm mũi họng và hai tai, bạn cần được đo nhĩ lượng đồ và thính lực đồ. Việc điều trị khó khăn hơn, đôi khi kéo dài hàng tháng, nếu sau 3-6 tháng mà sức nghe không cải thiện, các xét nghiệm gián tiếp chứng minh vẫn còn dịch trong tai giữa thì bệnh nhân cần được đặt một ống thông nhĩ để giúp cân bằng áp lực của tai giữa và bên ngoài giúp tai giữa mau chóng hết dịch và sức nghe hồi phục.
Anh nên đi khám và theo dõi với bác sĩ tai - mũi - họng, lý tưởng nhất ở những cơ sở y tế có đầy đủ máy nội soi tai mũi họng, máy đo nhĩ lượng đồ và phòng đo thính lực.
? Con trai tôi 26 tháng tuổi, có hai chấm trên hai vành tai, chấm bên vành tai phải bỗng dưng có chất gì màu trắng đục, lấy tay khều ra hết lớp trắng thì thấy rỉ nước, có một lỗ dò như đầu kim. Tôi đưa cháu đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị dò luân nhĩ và phải chờ khi nào nhiễm trùng hoặc đợi cháu lớn thêm 1-2 tuổi nữa mới mổ được. Xin hỏi bác sĩ, nếu hiện tại cháu 26 tháng tuổi, mà lỗ dò chưa bị nhiễm trùng thì có mổ hoặc có cách nào chữa dứt cho cháu được không? Rất cảm ơn sự chỉ dẫn của bác sĩ! (Lê Phương Nga, TP. Nam Định)
Trả lời:
Con chị bị lỗ dò trước tai, danh từ y khoa gọi là dò luân nhĩ. Nếu lỗ dò khô, không bị viêm nhiễm thì không cần mổ, còn nếu lỗ dò thỉnh thoảng có dịch tiết thì nên mổ sớm để lấy lỗ dò dễ dàng, sẹo mổ nhỏ đẹp và sẽ biến mất khi trẻ lớn. Không nên chờ bị viêm mới mổ vì ca mổ sẽ khó khăn, phức tạp do viêm nhiễm, áp xe, khi đó sẹo mổ sẽ to xấu, đôi khi phản ứng viêm lan rộng gây hoại tử vành tai, teo vành tai rất khó chữa. Hiện nay, ngành gây mê rất tiến bộ, có thể gây mê mổ cho cháu bất kỳ lúc nào.
Chuyên mục được tư vấn bởi bác sĩ Nhâm Tuấn Anh - Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Xanh-pôn, Hà Nội.
Minh Anh/TC GĐ&TE