Những vụ tai nạn đường sắt liên tục xảy ra là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất ATGT đường sắt cũng như ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Gia tăng các vụ tai nạn giao thông đường sắt
Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, giao thông đường sắt ghi nhận 66 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 48 người, bị thương 11 người.
Mới đây nhất vào ngày 28/7, tàu hỏa SNT5 do lái tàu Đ.H.H. điều khiển lưu thông theo hướng Bắc - Nam. Khi tới vị trí đường ngang Km1696 + 457 (giao cắt với đường Phạm Văn Thuận, Biên Hòa, Đồng Nai), tàu hỏa va chạm với xe bán tải biển số 60C - 597.XX do ông K. điều khiển từ trong hẻm nơi không có rào chắn đi ra.

Cú tông mạnh khiến xe bán tải văng xa va vào xe chở rác khiến anh T. (nhân viên thu gom rác) và cháu N. trên xe rơi xuống đường tử vong. 3 người trên xe bán tải bị thương được đưa đi cấp cứu. Kết quả kiểm tra bước đầu, tài xế không vi phạm nồng độ cồn, âm tính với chất gây nghiện.
Trước đó, tại Lào Cai, vào ngày 13/4, 2 trẻ em đi xe đạp qua lối mở dân sinh không gác chắn thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên ngay khi tàu chở vật liệu đi tới đã tông trúng khiến 2 em tử vong. Hay tại Hà Nội, vào ngày 5/6, một tài xế đậu ô tô sát đường sắt đã bị đoàn tàu tông trúng gây biến dạng.
Còn tại Phú Yên, ngày 12/2, xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến 1 người chết, 1 người bị thương khi lái xe cố băng qua đường sắt đoạn qua địa phận thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An.
Nguyên nhân những vụ TNGT là do người tham gia giao thông đường bộ băng qua đường sắt, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa biện pháp an toàn tại các nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Hiện cả nước có 7 tuyến đường sắt chính, đi qua 34 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.143km (trong đó, 2.632km đường chính tuyến, 403km đường ga, 108km đường nhánh). Riêng tuyến Hà Nội - TPHCM có chiều dài 1.727km, chiếm hơn 65% đường sắt chính tuyến trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam.
Theo Bộ GTVT, toàn quốc vẫn còn tồn tại khoảng 3.300 lối đi tự mở cắt ngang đường sắt tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, trong đó có hơn 1.000 điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt.
Giải pháp nào?
PGS, TS Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng, điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ chủ yếu là các điểm giao cắt đồng mức. Nhà nước đã bố trí đầy đủ hệ thống cảnh báo, rào chắn, người trực gác… Những điểm này về cơ bản đảm bảo an toàn, còn các điểm mất an toàn hầu hết là đoạn đường dân sinh tự mở.
Trước vấn đề mất ATGT đường sắt, cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc đóng các đoạn dân sinh tự mở nguy hiểm. “Về mặt lâu dài, ở các đoạn giao cắt, cơ quan chức năng có thể xây cầu vượt đường bộ. Tuy nhiên, giải pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diện tích phải đủ rộng, đủ chiều dài và kinh phí khá tốn kém”, ông Thái chia sẻ.
PGS, TS Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm, khi đóng cửa đường ngang dân sinh cần phải có những tuyến đường gom để đảm bảo việc đi lại và sinh hoạt của người dân. “Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, các địa phương có thể phối hợp, đặt camera phạt nguội, có dữ liệu để đưa ra biện pháp tăng cường an toàn tốt hơn nữa”, ông Thái nêu quan điểm.
Trước các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra, mới đây Cục CSGT (Bộ Công an) đã chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt, xử lý nghiêm hành vi không chấp hành các quy định khi đi qua đường ngang, vi phạm hành lang ATGT đường sắt.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi là nguyên nhân gây TNGT đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở, khu vực không có gác chắn, vị trí nguy hiểm như vượt qua đường ngang khi đèn đỏ bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi qua đường ngang; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trong phạm vi đường ngang; người đi bộ vi phạm khổ giới hạn đường sắt…
Xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, vi phạm hành lang ATGT đường sắt; rà soát tổ chức giao thông tại các khu vực đường ngang giao với đường sắt để kiến nghị ngành đường sắt và chính quyền địa phương lắp đặt gác chắn, đèn tín hiệu… tăng cường tuyên truyền kỹ năng tham gia giao thông nhằm hạn chế TNGT.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 93