Việc đảm bảo ATGT cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của cơ quan công an, nhà trường, phụ huynh mà còn là nhiệm vụ của cả cộng đồng.
Tai nạn giao thông để lại hậu quả lâu dài
Tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến học sinh đang ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các đô thị lớn và các khu vực có mật độ dân cư cao. Mới đây, tại Hà Nội, chỉ trong hai ngày cuối tháng 9/2024 đã xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng khiến hai học sinh trung học phổ thông thiệt mạng.
Các em gặp tai nạn khi điều khiển xe gắn máy va chạm với xe tải trên đường phố. Trước đó, trên địa bàn thành phố cũng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh khiến nhiều em bị thương, thậm chí tử vong.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an thành phố Hà Nội, từ ngày 5-29/9/2024, CSGT đã phát hiện và xử lý 1.534 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT, đồng thời tạm giữ 807 phương tiện các loại. Các lỗi vi phạm phổ biến bao gồm không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, và giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe.
Tai nạn giao thông liên quan đến học sinh và tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về trật tự ATGT vẫn phổ biến trên cả nước. Nguyên nhân của tình trạng này là do trẻ thiếu kiến thức về luật giao thông, thiếu kỹ năng tham gia giao thông an toàn, thói quen vi phạm luật giao thông (không đội mũ bảo hiểm, đi hàng đôi, vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi).
Bên cạnh đó, việc thiếu giám sát từ phía gia đình, hạ tầng giao thông chưa an toàn, cũng như sự thiếu nghiêm minh trong việc xử phạt học sinh vi phạm cũng góp phần làm tình trạng này thêm phức tạp.
Cao điểm đảm bảo ATGT cho học sinh
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 24/9/2024, Cục Cảnh sát giao thông ban hành Kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên toàn quốc.
Kế hoạch đặt ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông. CSGT sẽ tập trung kiểm tra và xử lý các phương tiện đưa đón học sinh không đạt tiêu chuẩn an toàn, các trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện sẽ bị xử lý nghiêm.
Ngoài ra, CSGT cũng phối hợp chặt chẽ với các trường học tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về ý thức chấp hành luật giao thông. Sự phối hợp này còn được mở rộng tới phụ huynh học sinh, nhằm nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc giám sát và nhắc nhở con em thực hiện đúng các quy tắc khi tham gia giao thông.
Một nhiệm vụ quan trọng khác trong kế hoạch là tập trung xử lý các "điểm đen" giao thông - những khu vực thường xảy ra tai nạn liên quan đến học sinh, đặc biệt là tại các ngã ba, ngã tư gần trường học. Việc rà soát và điều chỉnh hệ thống biển báo, vạch kẻ đường tại các khu vực đông dân cư và trường học sẽ được tiến hành nhằm giảm thiểu rủi ro tai nạn.
Triển khai kế hoạch này, ngay những ngày đầu tháng 10/2024, CSGT các tỉnh/ thành phố đã đồng loạt tổ chức ra quân cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh.
Cả cộng đồng vào cuộc
Việc đảm bảo ATGT cho học sinh đòi hỏi sự tham gia của cả cộng đồng. Sự phối hợp giữa các bên, từ gia đình, nhà trường đến xã hội là rất quan trọng để xây dựng môi trường giao thông an toàn cho trẻ em.
Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục kiến thức và kỹ năng ATGT cho học sinh. Các chương trình giáo dục về ATGT cần được lồng ghép vào giờ học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.
Những bài học về luật giao thông, cách đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy điện đúng cần được truyền đạt rõ ràng và dễ hiểu. Hoạt động thực hành ngoài trời như “Ngày hội ATGT” hoặc các cuộc thi tìm hiểu về luật giao thông cũng là những cách hiệu quả để học sinh học hỏi và thực hành.
Không chỉ nhà trường, phụ huynh cũng cần trang bị cho con em đầy đủ kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn: Nhắc nhở con đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hoặc xe đạp điện, tuân thủ các quy tắc giao thông, luôn quan sát cẩn thận khi qua đường…
Đặc biệt, phụ huynh chỉ cho con điều khiển phương tiện khi đã đủ tuổi và có đủ kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, các địa phương cần quan tâm, dành kinh phí nâng cấp hạ tầng giao thông...
Chung tay cùng cộng đồng giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, Báo Dân trí đã phối hợp với Công ty Ô tô Toyota tổ chức cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam.
Cuộc thi không chỉ tập trung vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn đề cao tinh thần cộng đồng trong việc tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp công nghệ hỗ trợ giao thông để giải quyết các vấn đề tồn tại, bất cập về giao thông đường bộ tại Việt Nam hiện nay.
Qua hai lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp Nhân dân, từ học sinh, sinh viên đến các chuyên gia trong và ngoài nước. Nhiều sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả tích cực.
“Qua hai mùa giải, những sáng kiến tham gia cuộc thi đã được áp dụng trực tiếp trong việc đảm bảo trật tự ATGT. Những sáng kiến như cổng trường ATGT được áp dụng ở rất nhiều nơi, hay gờ giảm tốc tại ngã ba, ngã tư...
Đặc biệt, những sáng kiến về công nghệ cảnh báo tai nạn giao thông đã mang lại hiệu quả rất lớn”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), đánh giá.
Hồng Trần
Ấn phẩm Vì trẻ em số 19