Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tại sao cái xấu được giới trẻ tung hô?

 
Việc giới trẻ tung hô cái xấu, thần tượng hóa những nhân vật bất hảo là sự lệch chuẩn trong nhận thức về giá trị thẩm mỹ, đạo đức. Ảnh Internet
                        
Trước hết, không nên “dùng dao mổ trâu giết gà”!
 
Tôi không nói đến hiện tượng Ngô Khá Bá (Khá “bảnh”) nữa vì truyền thông và các cơ quan chức năng nói tới quá nhiều rồi. Tôi muốn nói tới chuyện tại sao một bộ phận giới trẻ lại tung hô cái xấu, thần tượng hóa một nhân vật bất hảo? 
 
Hiện tượng này có nguyên nhân sâu xa, có thể lấy ví dụ ngay vụ Khá “bảnh”. Một thanh niên 26 tuổi có những hành động càn quấy, ngạo mạn và phạm pháp vặt. Việc này làm gì nghiêm trọng tới mức ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phải đồng thanh lên tiếng?! Rồi báo chí, kể cả những tờ báo lịch lãm và có ảnh hưởng lớn đều rầm rộ đưa tin. 
 
Vô tình, chúng ta xem Khá “bảnh” là một người ghê gớm, một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, một mối nguy cơ đối với an ninh. Nếu giải quyết đúng đối tượng, đúng tính chất vụ việc thì chính quyền và công an thị xã Từ Sơn, cùng lắm là tỉnh Bắc Ninh thừa sức xử lý. Vậy nguyên nhân chính ở đây là chúng ta quan trọng hóa vấn đề, hay như dân gian vẫn nói “Dùng dao mổ trâu giết gà”.
 
Không nên biến Khá “bảnh” thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng đến nỗi đe dọa an ninh xã hội!
 
Nhìn thẳng vào sự thật, ngăn chặn có bài bản
 
Một số chuyên gia tâm lý, chuyên gia tội phạm đã chỉ ra việc giới trẻ tung hô cái xấu, thần tượng hóa những nhân vật bất hảo là sự lệch chuẩn trong nhận thức về giá trị thẩm mỹ, đạo đức. Vậy nguyên nhân do đâu?
 
Thông qua báo chí, truyền thông, một số người có chức trách, một số chuyên gia đã nêu lên một số nguyện nhân: Do giới trẻ ham cái mới, cái lạ; Do nhà trường và xã hội xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, tư tưởng; Do tác động của một số yếu tố tiêu cực trong thời hội nhập…
 
Tất cả có vẻ như đều đúng, nhưng theo tôi, đó chưa phải là những nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính là sự phản kháng gián tiếp của một bộ phận giới trẻ đối với sự thiếu hiệu quả, sự rề rà trong các thủ tục hành chính; sự thiếu minh bạch, thiếu nhất quán trong một số vụ án của công an và tòa án; sự khô cứng, một chiều trong báo chí, truyền thông; biểu hiện của thói đạo đức giả trong nhiều mối quan hệ xã hội… 
 
Nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân bao trùm là một bộ phận giới trẻ không hài lòng với những gì đang diễn ra trong xã hội nên họ phản kháng “phi truyền thống” bằng cách tung hô cái xấu, thần tượng hóa nhân vật bất hảo. Muốn ngăn chặn điều này, phải làm rất nhiều việc; bắt đầu từ chuyện các cơ quan chức năng cần làm đúng chức trách, tới việc loại bỏ thói đạo đức giả khỏi sinh hoạt của chúng ta.

Trọng Đàm/TC GĐ&TE

Tin liên quan