Mới đây, ngày 23/10, tại nhà riêng của mình, em T.L.T.M, học lớp 9, Trường THCS thị trấn Phù Mỹ, bị một nhóm nữ sinh đánh đập, tra khảo và quay lại clip. Đoạn clip sau đó đã được lan truyền khắp trên các trang mạng xã hội Facebook, Tiktok... gây bức xúc dư luận.
Theo nội dung trong clip, em M bị một nữ sinh túm tóc, đấm đá nhiều cái vào vùng hông, ngực, mặt… kèm theo đó là những câu văng tục, chửi thề. Chưa dừng lại ở đó, em M còn bị một nữ sinh trong nhóm cố tình lột áo. Sau khi M đứng dậy, một nữ sinh đã quật ngã em, khiến M đập đầu xuống nền nhà dẫn đến co giật.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phù Mỹ cho biết, sau khi phát hiện vụ việc, nhà trường đã chủ động thông báo cho gia đình em M để hướng dẫn đưa em đi BV. Sau đó, nhà trường đã mời phụ huynh và các học sinh liên quan lên làm việc.
"Nhà trường đã bàn bạc, thống nhất theo hướng là họp Hội đồng kỷ luật của nhà trường, chờ kết luận bên phía CA để xử lý cho phù hợp với Luật Giáo dục và Điều lệ trường THCS" - ông Hùng cho hay.
Tối 1/11, phụ huynh của T.L.T.M cho biết, sau khi M bị học sinh cùng trường đến nhà đánh tới co giật, vì lo lắng cho sức khỏe của M, gia đình đã đưa em vào TP HCM khám tổng quát. “Hiện tại sức khỏe của con tôi sau khi khám đã ổn định, bản thân tôi và gia đình cũng không muốn nói gì và ồn ào thêm. Cháu học tại trường đã nhiều lần bị các bạn này đánh”, mẹ của nữ sinh bức xúc.
Trước đó, ngày 16/9/2022, tại trường THCS Hà Hồi, huyện Thường Tín, em N.T.H (lớp 9A1) lên khu phòng học bộ môn chơi thì em Đ.Đ.A (lớp 9A3) không cho lên. Chỉ có thế, hai em đã lời qua tiếng lại dẫn tới việc em A đánh em H. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan để giải quyết.
Qua quan sát, em H là có vết xước và bầm tím trên mặt, tinh thần bình thường nên hai bên gia đình đã thống nhất: Nếu chỉ là va chạm bình thường thì cho qua; đồng thời chờ khám, chụp chiếu xem có vấn đề gì thì sẽ tiếp tục xử lý.
Gia đình em A đã xin lỗi và thỏa thuận với gia đình em H là cùng đưa H đến BV và chịu trách nhiệm với gia đình H. Nhà trường đã báo cáo UBND xã Hà Hồi về sự việc để xin ý kiến chỉ đạo.
Tối 16/9, gia đình em H thông báo kết quả chụp chiếu của em cho nhà trường là bị chấn thương sọ não bầm tụ hai bên. Chiều 17/9, Ban giám hiệu nhà trường, đại diện phụ huynh học sinh nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp đã đến thăm, động viên em H tại BV Nông Nghiệp I. Giáo viên chủ nhiệm cũng phân công các bạn trong lớp chép bài cho em H.
Trước thông tin đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín, Trường THCS Hà Hồi chủ động, khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý sự việc đúng quy định; ổn định tâm lý, tinh thần học sinh.
Từ sự việc đáng tiếc trên, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường trên địa bàn TP tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong trường học; có giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực học đường.
Được biết, các vụ việc học sinh liên tiếp đánh nhau, nói tục, chửi bậy, thậm chí xưng hô “mày - tao” với giáo viên đứng lớp đang là tiếng chuông báo động về văn hóa ứng xử, giáo dục đạo đức ở trường học. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, giáo dục đang chuyển trọng tâm từ “dạy chữ sang dạy người”, vì thế cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá kết quả “dạy người” ở học sinh hiện nay.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh từ bậc tiểu học đã được đặt ra yêu cầu cần đạt về phẩm chất như: phải biết yêu quý bạn bè, kính trọng thầy cô, biết động viên khích lệ bạn bè; có khả năng nhận biết và bày tỏ cảm xúc của bản thân và chia sẻ tình cảm với người khác; biết điều chỉnh hóa giải các mâu thuẫn phát sinh; biết thể hiện thái độ không đồng tình với những hành vi sai...
“Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, học sinh vi phạm cho thấy, rõ ràng ngay cả học sinh cấp 3 cũng chưa đạt yêu cầu cần đạt của học sinh cấp 1. Và như vậy, liệu rằng chúng ta có đang quá buông lỏng việc đánh giá các yêu cầu cần đạt về “dạy người” theo từng cấp học hay không?”, ông Nam băn khoăn.
Đứng về góc độ của giáo viên, là chủ nhiệm một lớp đầu cấp 2, khi các em vừa có sự thay đổi môi trường và nề nếp nên giáo viên hàng ngày phải sát sao với những hoạt động của học sinh để đưa ra các biện pháp giáo dục và kịp thời uốn nắn, cho các em vào nền nếp. Cô Thanh Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A13, Trường THCS Lê Quý Đôn, thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về hiện tượng học sinh có các hành vi lệch chuẩn. Theo cô, một phần cũng vì các em được nuông chiều, phần vì giáo viên cũng gặp nhiều áp lực về mọi mặt trước sự phát triển cũng như phán xét của cộng đồng mạng trên mọi phương diện, hành vi, ứng xử của giáo viên, khiến giáo viên không đưa ra các hình thức kỷ luật mạnh tay. Điều này vô tình khiến học sinh dễ bị “nhờn” và không sợ các hình thức kỷ luật.
“Học sinh đến trường không chỉ học kiến thức mà được giáo dục các kỹ năng ứng xử, giao tiếp, giá trị về tình yêu gia đình, bạn bè… Ở các trường học thường có nội quy, quy định những điều học sinh không được làm nhưng vẫn có hiện tượng văng tục, chửi thề, đánh nhau và có thái độ vô lễ với thầy cô giáo là do được nuông chiều. Ở trường, thầy cô, nhà trường không được kỷ luật mạnh tay như “bêu” tên trước trường, lớp cũng không dám mắng học sinh vì có nguy cơ vi phạm quy định. Chưa kể, ngày nay, học sinh được phép mang điện thoại vào lớp học, các hành vi, lời nói của giáo viên có thể bị quay lén và tung lên mạng xã hội khiến giáo viên bị áp lực”, cô Thanh Hoa bày tỏ.