Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tại sao lại tạo “sốt đất" dễ dàng như vậy?

(Dân sinh) - Thời gian gần đây, "sốt đất" không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà diễn ra khắp nơi, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng người dân cũng đua nhau mua. Vậy, chính quyền địa phương ở đâu, trách nhiệm thế nào khi để địa bàn quản lý vào vòng “bùa mê” của giới đầu nậu, cò đất?

Đâu là nguyên nhân?

Chỉ cần một phát ngôn có động cơ hay vô trách nhiệm của ai đó (nhất là đại diện cơ quan, tổ chức hay cá nhân có tầm ảnh hưởng) về quy hoạch xây dựng cảng hàng không, cao tốc hay lên thành phố, ngay lập tức xuất hiện làn sóng "sốt" đất.

Thời gian gần đây, tại Long Thành (Đồng Nai), Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu); Hớn Quản (Bình Phước), Bảo Lộc (Lâm Đồng) là một ví dụ sau khi có thông tin quy hoạch xây dựng cảng hàng không và cao tốc.

Tại sao lại tạo “sốt” đất dễ dàng như vậy? - Ảnh 1.

Theo khảo sát của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá đất ở nhiều nơi tăng trung bình 10% sau 1 tháng, thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1, 2 tháng.

Thậm chí, chỉ cần vài nhóm người kéo nhau đến một vùng hẻo lánh nào đó, tung tin có tập đoàn này nọ sắp đầu tư dự án hoành tráng để "ngắm rừng, ngắm biển" cũng có thể tạo ngay "cơn sốt".

Theo khảo sát của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá đất ở nhiều nơi tăng trung bình 10% sau 1 tháng, thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1, 2 tháng. Nhiều nơi người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư BĐS.

Rầm rộ nhất có lẽ phải kể đến đợt sốt đất ảo ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước chỉ diễn ra vài ngày hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2021 vừa qua. Khi có thông tin UBND tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát thực địa tại Hớn Quản vào ngày 19/2 để có cơ sở đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và Chính phủ giao lại sân bay quân sự Téc-ních để xây dựng sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng), người dân khắp nơi từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và những địa phương khác đã đổ xô đến Hớn Quản để mua bán đất.

Ai cũng hỏi về dự án sân bay Téc-ních Hớn Quản mở rộng và muốn "mua được đất càng gần sân bay càng tốt". Dọc các tuyến đường liên xã, hàng chục biển báo với các dòng chữ "mua bán đất sân bay Téc-ních", "điểm tư vấn mua bán đất nền", "bán đất sân bay"… được dựng lên chào mời các nhà đầu tư.

Tại sao lại tạo “sốt” đất dễ dàng như vậy? - Ảnh 2.

Những đoàn xe chở theo nhà đầu tư "lướt sóng" và "cò đất'' đến huyện Hớn Quản

Những đoàn xe chở theo nhà đầu tư "lướt sóng" và "cò đất'' đến huyện Hớn Quản. Tại đây, đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai đã lợi dụng thông tin về việc khảo sát sân bay Téc-ních của lãnh đạo tỉnh Bình Phước, để tụ tập đông người đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với thực tế khiến giá đất tăng chóng mặt.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam có 2 nguyên nhân khiến "sốt đất" diễn ra mạnh mẽ, đó là kênh đầu tư BĐS vẫn rất hấp dẫn và nguồn cung BĐS tại một số địa phương, thành phố lớn còn thiếu hụt.

Đáng chú ý, "sốt đất" không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng...

 Thứ hai là làn sóng "sốt đất" xuất hiện chủ yếu do thông tin quy hoạch như: sân bay, đường cao tốc, dự án của doanh nghiệp lớn… Mặc dù cơn "sốt đất" chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã tàn phá nền kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân.

Nhà đầu tư cần tỉnh táo

Cũng lấy thông tin "sân bay Phan Thiết sắp khởi công" từ buổi làm việc giữa Bộ Quốc phòng với UBND tỉnh Bình Thuận vào đầu tháng 3/2021, hàng loạt ôtô từ khắp nơi đã ùn ùn kéo về xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết - nơi quy hoạch xây dựng sân bay, để tìm mua đất khiến cuộc sống thường ngày của người dân bị đảo lộn. Nhà nhà người người đua nhau mua bán đất và làm "cò" đất.

Tại sao lại tạo “sốt” đất dễ dàng như vậy? - Ảnh 4.

Tình trạng phân lô bán nền diễn ra ở khắp nơi, cả trên đất nông nghiệp

Đáng chú ý, đất xung quanh khu vực sân bay Phan Thiết đã có rất nhiều đợt sốt kể từ khi động thổ sân bay từ tháng 1/2015. Nếu như trước đây, mỗi sào đất trên trục đường vào sân bay chỉ có giá trên dưới 200 triệu đồng thì khi các cơn sốt đất xuất hiện, giá đã tăng phi mã, lên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, thời gian cơn sốt lên đỉnh điểm, giá đất nhảy múa từng ngày, thậm chí từng giờ, mỗi sào đất đường ĐT 715 có lúc lên đến 4 tỷ đồng, gấp 20 lần so với trước đó.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia BĐS, trong mọi quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần suy tính đến các yếu tố cơ bản như lý do tạo nên tiềm năng của khu vực; liệu đó có phải là tin đồn không; thông báo chính thức về việc sẽ có dự án mới tại khu vực đã được công bố chưa; khi nào thì quyết định này đi vào thực tiễn...

Tại sao lại tạo “sốt” đất dễ dàng như vậy? - Ảnh 5.

Thực tế cho thấy, những khu vực xảy ra "sốt" đất kể trên, các cá nhân, tổ chức thực hiện mua bán phần lớn không phải là đất ở

Nhưng, thông tin về dự án có thể được công bố sớm và cần một thời gian dài để hoàn thiện. Vậy nên, các nhà đầu tư cũng cần chú ý về yếu tố thời gian, về lộ trình của các thông báo này.

"Những nhà đầu tư mua đất khu quy hoạch chủ yếu là để lướt sóng. Sân bay hay cao tốc chỉ là cái cớ để dân đầu tư kiếm lời. Đất lên từng giờ, một ngày tăng vài giá và điệp khúc đặt cọc rồi bẻ cọc rồi lướt sóng cứ liên tục. Một số bà con nhân dân địa phương thấy dễ làm ăn quá nên cũng rút tiền về đi đặt cọc, đợi khi bẻ cọc để được lời gấp đôi. Tuy nhiên, đây chỉ  là chiêu trò của nhà đầu cơ và cò đất", một chuyên gia về BĐS nhận định. 

 Cơn "sốt đất" ở Bình Phước thực chất được tạo bởi một nhóm khách đã mua với giá rẻ trước đó. Sau khi có thông tin Bình Phước chuẩn bị xây dựng sân bay thì những người này bung hàng ra bán, tạo cơn sốt ảo để lôi kéo người mua. Cũng theo các nhà đầu tư, giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn nhưng nhu cầu sử dụng đất không có thật. Hầu hết các giao dịch thực hiện bằng hình thức sang tay. Ăn theo, một số "cò đất" còn chào bán đất sổ giả được làm rất tinh vi lừa đảo khách hàng. Một nhà đầu tư cho biết.

"Kinh nghiệm cho thấy, những khoản đầu tư được hứa hẹn gia tăng giá trị nhanh chóng và thu lợi dễ dàng, thì trong rất nhiều trường hợp, đây không phải sự thật.

Thực tế cho thấy, những khu vực xảy ra "sốt" đất kể trên, các cá nhân, tổ chức thực hiện mua bán phần lớn không phải là đất ở. Ngoài ra, sản phẩm mua bán này hầu như không xác định người mua cuối cùng, nên không biết được mục đích sử dụng", một chuyên gia bất động sản cho hay.