Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tâm sự nhói lòng của thiếu nữ biết mình nhiễm HIV từ nhỏ

Cách đây 10 năm, tôi vô tình bị nhiễm HIV từ mẹ. Thật ra mẹ tôi cũng không biết mình bị nhiễm HIV. Mẹ làm ở công ty môi trường đô thị, mẹ vô tình bị nhiễm HIV trong một lần dọn rác mà quên đeo găng tay. Sức khỏe của mẹ ngày càng yếu đi, mẹ nghĩ mình chỉ bị ốm. Tôi là người gần gũi và chăm sóc mẹ nhiều nhất, vì tôi không có bố. Mẹ cũng không có chồng. Nhà chỉ còn hai mẹ con, không họ hàng thân thích, hoặc mẹ không bao giờ còn muốn trở về quê hương của mẹ. Tôi không hiểu lý do tại sao.
 
 


Cách đây 10 năm, tôi vô tình bị nhiễm HIV từ mẹ.
 
Khi mẹ bị những mụn nhọt li ti nổi trên da, tôi thường nặn cho mẹ. Khi mẹ không đủ sức để đi làm nữa, mẹ ngã gục xuống thì mới chịu vào viện. Điều kinh khủng nhất là người ta cho mẹ biết mẹ nhiễm  HIV, tôi lập tức được đưa đi xét nghiệm và cùng chung số phận với mẹ.
 
Có lẽ cho đến khi mẹ chết, mẹ vẫn không thể nào hết hối hận vì việc đã để tôi bị lây nhiễm. Khi mẹ mất, tôi mới 9 tuổi. Tôi được một trung tâm bảo trợ xã hội nuôi nấng. Tôi được học hành, được dạy những bài học về việc hòa nhập cộng đồng, về việc phải vượt qua số phận, vượt qua những kỳ thị của một bộ phận xã hội để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
 
Các mẹ ở trung tâm bảo trợ làm cho lũ trẻ chúng tôi tin rằng, chúng tôi bình thường như những người khác. Chỉ là bệnh của chúng tôi phải chữa lâu hơn những căn bệnh khác. Chúng tôi đều tin như thế.
 
Một hôm, có đài truyền hình về quay phim và tôi là một trong 3 đứa trẻ được chọn để lên truyền hình. Hôm ấy, mẹ đưa chúng tôi đến trường quay từ sớm. Chúng tôi được ăn mặc đẹp, được trang điểm và được động viên tinh thần. Cô biên tập viên của chương trình còn luôn nhắc nhở chúng tôi phải tự tin, tự nhiên hết sức có thể, vì ở đây, chúng tôi không có gì khác biệt.
 
Tôi rất cảm động. Sau khi ghi hình, tôi quay trở về cánh gà, rót một cốc nước từ cái bình nước để ở cạnh đấy, đưa tận tay cô biên tập viên xinh đẹp dễ mến và mời cô uống. Cô cười cười nhận lấy cốc nước từ tay tôi. Cô đi lại phía sau bức rèm, tôi nhìn theo cô và thấy cô lén đổ cốc nước vào cái khay để đồ. Cô còn ra sức lau tay vào tấm vải trải bàn gần đó. Tôi vội vã quay đi, nước mắt muốn dâng lên trong mắt.
 
Thế có phải là “không khác biệt”? Thật sự đối với tôi lúc đó rất sốc. Chính cô ấy đã biên tập chương trình này, đã nói những lời khiến cho cả cộng đồng cảm động, tuyên truyền những thứ tốt đẹp về sự hòa nhập, bài trừ sự kỳ thị… thế mà chính cô ấy còn coi chúng tôi như một mầm bệnh.
 
Tôi nói với một mẹ ở trung tâm: “Con không tin rằng, chúng con được chào đón ở thế giới này. Chúng con chỉ có thể ở đây cho đến lúc chết thôi”. Mẹ ôm lấy tôi và bảo rằng tôi phải có niềm tin. Khi đó, niềm tin trong tôi dường như đã tắt ngấm.
 
 


Tôi nhận ra một điều rằng, tôi và những đứa trẻ nhiễm HIV luôn luôn khác biệt.
 
Những năm sau đó, bằng nỗ lực chứng minh điều ngược lại, mẹ đã giúp tôi được học một trường trung học với những bạn không bị nhiễm HIV. Ở đây, tôi phải vượt qua một nửa sự mặc cảm rằng mình là mối đe dọa cho mọi người, còn một nửa, họ tin rằng tôi là một người bình thường.
 

Tôi tốt nghiệp với số điểm tuyệt đối. Tôi có thể chọn cho mình một trường đại học và được miễn học phí. Tôi nhận ra một điều rằng, tôi và những đứa trẻ nhiễm HIV luôn luôn khác biệt. Chỉ có điều, chúng tôi phải chấp nhận sự khác biệt đó và tin vào bản thân mình, tin vào cộng đồng, dù không phải tất cả đều hiểu chúng tôi. 

Theo Hải Anh (Giadinhvietnam.com)