
Dư địa còn nhiều
Các FTA đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong 2 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng tới 18,6% so với cùng kỳ năm 2023; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức xuất siêu 3,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước; 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%).
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, 5 năm qua, bức tranh về các lợi ích mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cho Việt Nam đã được định hình.
Theo đó, lợi ích nổi bật của Việt Nam khi tham gia CPTPP là mở cửa thị trường, xuất nhập khẩu. Cụ thể, trong Hiệp định CPTPP, ngoài việc tập trung khai thác thị trường các thành viên đã có FTA như các nước: ASEAN, Úc, Nhật Bản, Chilê… chúng ta còn đẩy mạnh xuất khẩu vào 3 thị trường chưa có FTA song phương là Canada, Mexico, Peru.
Trong khoảng 4 năm, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang 3 thị trường Canada, Mexico, Peru có kết quả rất tích cực, tốc độ tăng trưởng luôn trên hai chữ số, trên 20%, kể cả trong đại dịch Covid-19.
Thậm chí, thị trường Peru có thời điểm tăng 3 chỉ số, nhiều mặt hàng thế mạnh như thủy sản, dệt may tăng trưởng tích cực.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định, những kết quả thực thi FTA những năm vừa qua cho thấy, Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác các thị trường này.
“Theo đánh giá của chúng tôi, các cơ hội thị trường CPTPP rất lớn, tuy nhiên doanh nghiệp của chúng ta chưa tận dụng hết. Ngay như mặt hàng thủy sản, một trong các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh song thị phần tại CPTPP còn khiêm tốn so với dung lượng thị trường đang có”, ông Khanh nói.
Dệt may là một trong những ngành hàng có tỷ lệ sử dụng các FTA nhiều nhất nhưng các doanh nghiệp mới chỉ gia công, chủ yếu xuất khẩu qua trung gian, do vậy giá trị gia tăng thấp.
Chia sẻ về điều này, ông Phan Đức Tú, Phó Giám đốc Công ty May mặc Mỹ Hưng (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho rằng rất khó tận dụng FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU. Doanh nghiệp chủ yếu gia công hàng may mặc nên chưa thể đáp ứng quy tắc xuất xứ đưa ra trong EVFTA.
“Cũng do gia công hàng may mặc nên doanh nghiệp chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng may mặc toàn cầu. Nhiều năm qua, Công ty May mặc Mỹ Hưng vẫn chủ yếu duy trì gia công hàng hóa để xuất khẩu đến thị trường Mỹ chứ chưa thể tận dụng EVFTA để xuất khẩu sang EU”, ông Tú cho hay.
Làm gì để tận dụng hết cơ hội từ các FTA
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, nhờ triển khai nhiều giải pháp thực thi các FTA, Việt Nam đã xuất siêu sang nhiều nước.
Tuy nhiên, quá trình tận dụng FTA còn rất nhiều tồn tại khi tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường FTA rất khiêm tốn. Đặc biệt với các doanh nghiệp nội vừa và nhỏ, việc tận dụng các cơ hội từ các FTA còn tương đối hạn chế.
Về nguyên nhân, bà Lan Phương cho rằng: “Doanh nghiệp vẫn chủ yếu làm các sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu và chủ yếu làm những sản phẩm có đặc thù chế biến ít, do đó giá trị gia tăng thu được còn nhỏ. Chúng ta cũng chưa có sự quan tâm đúng mức và đầy đủ đối với việc xây dựng các sản phẩm có thương hiệu “Made in Việt Nam” trên thị trường các nước FTA”.
Còn ông Ngô Chung Khanh cho rằng, mặt khác, hầu hết doanh nghiệp còn e ngại các tiêu chuẩn phức tạp hoặc không chủ động tiếp cận thông tin thị trường ngay sau khi CPTPP đi vào thực thi. Điều này ảnh hưởng đến định hướng xuất khẩu sang thị trường các thành viên CPTPP, nhất là các thị trường tiềm năng như Canada, Peru, Mexico.
Ông Phạm Đình Thưởng, Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTPC cho biết, để tận dụng được cơ hội từ các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới như CPTPP, các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững. Hiện, xanh hóa, số hóa, sạch… là xu hướng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường FTA, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định...
Châu Anh