Thay mặt Tổ Đại biểu Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc báo cáo tóm tắt kết quả sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 gồm 17 chương, 220 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Ngoài 16 điểm mới (10 điểm mới chủ yếu đối với người lao động và 6 điểm mới chủ yếu đối với người sử dụng lao động
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 11 đánh giá cao sự đổi mới, tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, đoàn kết, đưa ra những quyết sách quan trọng của Quốc hội trong kỳ họp lần này nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều Đại biểu Quốc hội có ý kiến tham luận thẳng thắn, công tác chất vấn ngắn gọn và chính xác.
Về Bộ luật Lao động (sửa đổi), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, Bộ luật Lao động được sửa đổi nhằm đáp ứng quá trình phát triển thị trường lao động, hội nhập sâu rộng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo điều kiện thực hiện cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại, tăng cường bảo vệ người lao động, hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tiếp thu và tổng hợp, gửi đến các cấp, ngành chức năng xem xét giải quyết.
Một số điểm mới nổi bật trong trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019
Thứ nhất: Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Nếu như Bộ luật Lao động 2012 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động... trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019 mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng.
Theo các chuyên gia lao động, mở rộng quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động cũng là một điểm mới quan trọng trong rất nhiều điểm mới trong Bộ luật Lao động mới.
Các chế định về hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng được quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động, cụ thể: Người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng lao động;
Người lao động được quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động (các chi phí của việc cung cấp này do người sử dụng lao động trả).
Thứ hai: Tuổi nghỉ hưu nam ở tuổi 62 và nữ ở tuổi 60
Bộ luật Lao động mới nêu rõ: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
So với hiện nay theo Bộ luật Lao động 2012 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động đã tăng lên đáng kể; đồng thời, với những công việc đặc thù thì việc nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định rõ ràng hơn.
Thứ ba: Giữ quy định giờ làm việc 48 giờ/tuần
Về thời giờ làm việc bình thường được quy định không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Cụ thể, giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần.
Đồng thời, giữ quy định "Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động".
Thứ tư: Làm thêm không quá 300 giờ/năm với ngành nghề đặc biệt
Điều khác biệt duy nhất về thời gian làm thêm giờ quy định tại Bộ luật Lao động 2019 với Bộ luật Lao động 2012 ở điểm: Số giờ làm thêm trong tháng tăng lên 40 giờ thay vì 30 giờ và cụ thể hơn các trường hợp được làm thêm tới 300 giờ/năm như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước…
Cụ thể, về giờ làm thêm, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; nếu áp dụng thời giờ làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Đấy là trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp cụ thể là: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước, thì người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Quy định làm thêm không quá 300 giờ/năm cũng được áp dụng với trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.
Và trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất.
Thứ năm: Doanh nghiệp tự xây dựng thang, bảng lương
Về tiền lương, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa các bên.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động; bổ sung quy định trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận. Quy định đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp được nâng lên 1 năm/lần.
Ngoài quy định linh hoạt về đăng ký nội quy lao động (có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện), các quy định về giải quyết tranh chấp lao động cũng linh hoạt hơn nhằm tạo thuận lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động.