Nhằm phòng tránh lây nhiễm Covid-19, ngày 7/5/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Công văn số CV số 3711/UBND-KGVX chỉ đạo cho học sinh toàn tỉnh tạm dừng đến trường.
Tác động của đại dịch Covid-19 tới trẻ em có thể thấy ở những vấn đề trực tiếp như sức khỏe, học tập hoặc từ tác động do sinh kế của cha mẹ ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Trong thời gian tham gia học trực tuyến, trẻ em cũng gặp rủi ro trên môi trường mạng, đặc biệt là nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng bởi không ít người lớn gặp khó khăn khi giám sát trẻ sử dụng thiết bị điện tử...
Hiện tượng trẻ em bị lạm dụng, quấy rối khi học trực tuyến cũng đã được Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cảnh báo. Chưa kể, nhóm trẻ em khuyết tật, trẻ em ở vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số bị thiệt thòi khi gián đoạn việc học do không tiếp cận được công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, trong mùa dịch bệnh, các vụ tai nạn thương tích của trẻ em có xu hướng tăng lên. Đó là những trường hợp trẻ em bị bỏng, ngã, thương tích… do đùa nghịch khi người lớn không chú ý.
Đo thân nhiệt cho trẻ em trước khi khám bệnh. Ảnh minh họa: Thanh Quý
Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên những vấn đề liên quan đến trẻ em trong và sau đại dịch cần được quan tâm bằng những giải pháp kịp thời và lâu dài. Với phương châm hành động trong phòng, chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ "Không một ai bị bỏ lại phía sau", đối với trẻ em, các em không những không bị bỏ lại mà còn được ưu tiên chăm sóc, Khánh Hòa tập trung vào một số giải pháp như:
Bảo đảm an toàn cho trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cần đặc biệt quan tâm các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng phù hợp; hỗ trợ, phòng ngừa sang chấn tâm lý; phòng, chống nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em khi thực hiện cách ly tại gia đình hoặc cơ sở cách ly tập trung.
Các cơ sở Bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho trẻ em và người chăm sóc trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới; tăng cường việc kiểm tra, chăm sóc y tế, tiến hành khử trùng, chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở.
Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, cập nhật tình hình tác động của dịch bệnh Covid-19 đến trẻ em; số lượng, nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em, học sinh đang thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại gia đình để kịp thời tổng hợp, báo cáo về Sở LĐ-TB&XH để tổng hợp báo cáo Bộ LĐ-TB&XH.
Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội bằng nhiều hình thức thông qua các tài liệu, sản phẩm truyền thông hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19. Tuyên truyền cho phụ huynh học sinh quản lý chặt chẽ, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh; nhắc nhở học sinh học tập, rèn luyện kiến thức theo hướng dẫn của nhà trường trong thời gian nghỉ học.
Đồng thời giới thiệu Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em tại cơ sở cách ly tập trung có trẻ em để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết tình huống khẩn cấp về bảo vệ trẻ em. Khi có các vấn đề phát sinh hoặc trường hợp khẩn cấp liên quan đến trẻ em chủ động báo cáo cơ quan có thẩm quyền và Sở LĐ-TB&XH để có giải pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời.