Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người bán dâm

Tập huấn nâng cao năng lực cho người nghi tham gia bán dâm/bán dâm tại Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Lệ.



Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Xuân Lập cho biết, trong Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất chú trọng đến các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội; tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế (người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm) vào hệ thống an sinh xã hội; từng bước xã hội hóa cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội vào công tác phòng ngừa mại dâm.


Với mục tiêu giúp người có nguy cơ cao, người yếu thế và người hoạt động mại dâm tại khu vực thực hiện mô hình được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã xây dựng Khung định mức kinh tế - kỹ thuật cho 3 mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm gồm: (01) Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại phòng, chống bạo lực giới; (02) Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; (03) Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.


Theo đó, các dịch vụ thí điểm trong mô hình bao gồm tư vấn tâm lý - xã hội; xây dựng đường dây nóng hỗ trợ khi người bán dâm bị xâm hại đến quyền, bị bóc lột; nơi trú ẩn, tạm lánh an toàn khi bị bạo lực hoặc có nguy cơ bị bạo lực; hỗ trợ vật chất, tài chính với người có nhu cầu thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng.


Người bán dâm rất cần tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Ảnh: Văn Thiêm.

 

Quảng Ninh là một trong những địa phương thực hiện thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ Công tác xã hội dành cho người bán dâm tại cộng đồng từ năm 2016. Thành viên của mô hình là tất cả những khách hàng có nhu cầu, hiện đang hoạt động bán dâm và những người khác đã và sẽ chuyển đổi việc làm.


Nhiệm vụ của mô hình là tiến hành các hoạt động tiếp cận, can thiệp, truyền thông và đào tạo nâng cao năng lực tự bảo vệ, kỹ năng sống cho người bán dâm; Chuyển gửi và kết nối chị em với các dịch vụ hiện có, mô hình được xem như là cầu nối giữa khách hàng với các dịch vụ xã hội sẵn có trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Phối hợp, kết nối với các đơn vị liên quan như: Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Hội Luật gia, Trung tâm Tư Vấn pháp luật và thành viên Hội tại tỉnh/thành phố, để cập nhật thông tin chi tiết, và trợ giúp/chuyển gửi chị em tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ pháp lý (như giấy tờ tùy thân, đăng ký tạm trú, giảm bạo lực giới, kỳ thị và phân biệt đối xử với người bán dâm)...; Thực hiện các hoạt động kết nối hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người bán dâm, đảm bảo họ có cơ hội tốt để hòa nhập cộng đồng.


Để giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm tới đời sống xã hội, Trung tâm Công tác xã hội duy trì và đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp, cung cấp dịch vụ Công tác xã hội cho người nghi tham gia bán dâm, bán dâm tại cộng đồng, với các hoạt động như sau:


- Truyền thông về dịch vụ xã hội trợ giúp cho người nghi tham gia hoạt động bán dâm, người bán dâm tại cộng đồng, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư, người nghi tham gia hoạt động bán dâm, người bán dâm;


- Tư vấn tâm lý, lồng ghép với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; Phối hợp với chuyên gia về tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, tổ chức 3 lớp tập huấn tại thành phố Hạ Long về nâng cao năng lực cho người nghi bán dâm, bán dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long và Uông Bí với sự tham gia của 105 người nghi bán dâm, bán dâm;


- Nâng cao năng lực cho người nghi bán dâm, bán dâm; đặc biệt trong đó là hoạt động hỗ trợ học nghề và chuyển đổi sinh kế cho người bán dâm.


Trung tâm Công tác xã hội lựa chọn khu vực thành phố Hạ Long để tiến hành thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề và sử dụng các dịch vụ xã hội của những người nghi tham gia bán dâm và bán dâm. Đồng thời, khảo sát các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh (chủ yếu là lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, may mặc và hóa mỹ phẩm) về nhu cầu cung cấp dịch vụ dạy nghề và tạo việc làm cho người bán dâm. Trên cơ sở kết quả khảo sát, năm 2018, Trung tâm tiến hành tư vấn kết nối cho 5 người nghi tham gia bán dâm học nghề tại 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Cao Thắng và Trần Hưng Đạo với nghề học là nghề may và vẽ móng (nail), mức kinh phí hỗ trợ là: 2.000.000đ/người.


Có thể nói, mô hình là điểm đến an toàn cho người bán dâm có thêm kiến thức, thông tin, kỹ năng, tiếp cận được các dịch vụ xã hội và phòng chống bạo lực ở cộng đồng nhằm giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Những hoạt động được triển khai đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cho người bán dâm, hạn chế sự gia tăng và tiến tới giảm thiểu tệ nạn mại dâm; giảm tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống cộng đồng và đối với chính người hoạt động mại dâm; tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng để họ được tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ công tác xã hội, đặc biệt tạo cơ hội để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

Minh Châu/TC GĐ&TE

Tin liên quan