Bộ Công an đã đưa ra dự thảo lần thứ 3 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Dự thảo nghị định nhằm hướng dẫn thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Tại dự thảo mới nhất này, Bộ Công an đã đề xuất tăng nhiều mức phạt tiền đối với các tài xế vi phạm giao thông. Đáng chú ý, với hành vi vượt đèn đỏ, tại dự thảo lấy ý kiến hồi tháng 8, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền với tài xế ô tô từ 4-6 triệu đồng.
Tuy nhiên, ở dự thảo mới nhất, mức đề xuất phạt đã tăng lên từ 6-8 triệu đồng. Người vi phạm sẽ bị trừ 3 điểm trên giấy phép lái xe. Với tài xế xe máy vi phạm mức phạt đề xuất từ 2-3 triệu đồng và bị từ 3 điểm trên giấy phép lái xe. Cụ thể:
Mức phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự thì sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Và người vi phạm cũng sẽ bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe nếu vi phạm lỗi này.
Hiện hành, mức phạt này chỉ từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng (Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Mức phạt đối với xe ô tô
Theo đề xuất, mức phạt đối với người điều khiển ô tô, xe máy vượt đèn đỏ tăng từ 1,2 - 2 triệu đồng so với mức phạt cũ.
Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Đồng thời, người vi phạm sẽ bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe.
Hiện tại, mức phạt này chỉ từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng (Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Đề xuất nâng mức phạt giao xe cho người không đủ điều kiện cầm lái
Ngoài ra, theo dự thảo mới, Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với nhiều hành vi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo cho rằng cần nâng mức phạt tiền thành từ 2-3 triệu đồng (đối với cá nhân), từ 4-6 triệu đồng (đối với tổ chức) là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mà giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
Theo các quy định hiện hành, hành vi giao xe trái luật nêu trên bị phạt từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng (đối với cá nhân) và từ 1,6 - 4 triệu đồng (đối với tổ chức).
Đối với hành vi giao xe ô tô hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe ô tô tham gia giao thông, dự thảo mới nhất đề xuất giữ nguyên mức phạt so với luật hiện hành.
Cụ thể, phạt tiền từ 4 - 6 triệu (đối với cá nhân) và từ 8 - 12 triệu (đối với tổ chức) là chủ xe ô tô, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.
Tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, gồm: Tín hiệu đèn giao thông gồm màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau: - Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; - Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác; - Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi. |