Do tác động của dịch bệnh Covid-19 (tính từ ngày 30/9/2021 đến 12/12/2021), tỉnh Phú Thọ có hơn 12.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; trong đó có 7.054 lao động trở về từ các tỉnh, chủ yếu là lao động tự do (lao động làm thuê theo ngày, khoán khối lượng công việc; xe ôm; bốc vác, bán hàng...). Tuy nhiên, năm 2022, nhất là từ sau khi dịch bệnh tạm lắng (tháng 3/2022), thị trường lao động ở Phú Thọ có nhiều tín hiệu khả quan, đến nay cơ bản đã được phục hồi, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đều tăng cao. Thông qua các giải pháp kết nối cung cầu lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay tạo việc làm… Chính vì vậy, số lao động trở lại thị trường rất đông, các doanh nghiệp có xu hướng tiếp tục tuyển dụng thêm nhiều lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu, thông tin về thị trường lao động trong nước và nước ngoài giúp người lao động tìm kiếm việc làm theo nhu cầu. Trung tâm đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm hàng tháng, chuyên đề và online nhằm kết nối doanh nghiệp và người lao động.
Kết quả, trong năm 2022, tỉnh Phú Thọ đã tư vấn cho 36.175/40.000 lượt người (đạt 90,4% kế hoạch năm); giới thiệu việc làm trong nước 856/900 người (đạt 95% kế hoạch năm), giới thiệu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 92/100 người (đạt 92% kế hoạch năm). Tổ chức 23/20 phiên giao dịch việc làm; trong đó có 15 phiên định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ, 03 phiên giao dịch việc làm Online, 02 phiên dành cho lao động bảo hiểm thất nghiệp và 03 phiên lưu động tại huyện Thanh Thuỷ, Đoan Hùng, Thanh Ba) đạt 115% kế hoạch năm. Ngoài ra, Phú Thọ còn tổ chức hội nghị tư vấn việc làm tại các xã, phường, thị trấn với 17/18 hội nghị, đạt 94,4% kế hoạch năm…
Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại Dịch COVID-19; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất; nhiều người lao động mất việc làm ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống thì bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình trong vai trò “bà đõ” cho người lao động khi bị giãn việc, thôi việc. Thời quan qua, không ít người lao động đến TTDVVL Phú Thọ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho biết chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự đã phần nào giúp họ vượt qua khó khăn trong thời gian mất việc làm, cũng như duy trì đời sống sinh hoạt để tiếp tục tìm việc làm mới. Có thể nói chính sách bảo hiểm thất nghiệp là “bà đỡ” cho người lao động khi bi giãn việc, mất việc, giúp họ ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ cho biết, để chính sách BHTN ngày càng đi vào cuộc sống, Trung tâm DVVL Phú Thọ hết sức chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức tuyên truyền, từ việc chỉ tuyên truyền các quy định về thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp BHTN thì nay đã tập trung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người lao động khi hưởng trợ cấp thất nghiệp đồng thời thường xuyên cử cán bộ đi cơ sở về tận địa bàn các huyện, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các trường học, trường nghề để hướng dẫn trao đổi, tổ chức tọa đàm về chính sách BHTN. Bên cạnh đó nội dung tuyên truyền về BHTN cũng được lồng nghép trong các chương trình tập huấn của Sở LĐ-TB&XH cho các đơn vị doanh nghiệp qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến và đối thoại pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN giữa Sở LĐ-TB&XH với Liên đoàn Lao động tỉnh, BHXH tỉnh…