Từ những ngày đầu thành lập vào năm 1994, TKV đã trải qua hành trình dài với nhiều thành tựu nổi bật.

Bước khởi đầu đầy thách thức
TKV ra đời trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược, TKV xác định mục tiêu rõ ràng trong việc phát triển ngành công nghiệp than và khoáng sản, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước.
TKV thành lập theo Quyết định 563/TTg ngày 10/10/1994, hoạt động từ năm 1995. Thời điểm này, ngành than đối mặt với nhiều thách thức như thị trường thu hẹp, giá bán than thấp, môi trường ô nhiễm. Lãnh đạo TKV xác định chiến lược phát triển đa ngành trên nền tảng sản xuất than, tập trung vào việc nâng cao năng lực quản lý và tự chủ cho các đơn vị thành viên.
TKV trở thành tập đoàn vào năm 2005, với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Giai đoạn này chứng kiến sự mở rộng quy mô doanh nghiệp, đầu tư vào nhiều lĩnh vực như điện, khoáng sản, luyện kim. Mặc dù gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, TKV vẫn kiên trì phát triển và thực hiện cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp thành viên.

Từ năm 2014, TKV tiến hành tái cơ cấu tổ chức và chuyển đổi mô hình kinh doanh, tập trung vào sản xuất kinh doanh than, khoáng sản. Tập đoàn đã giảm số lượng đơn vị thành viên, tinh gọn bộ máy quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mặc dù đạt nhiều thành tựu, TKV đối mặt với những thách thức như biến động thị trường, áp lực từ yêu cầu bảo vệ môi trường, nhu cầu đổi mới công nghệ. TKV tập trung vào việc cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư vào công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tăng trưởng vượt bậc
Trong 30 năm, TKV tăng trưởng ấn tượng. Tổng giá trị tài sản của tập đoàn tăng từ 1,845 nghìn tỷ đồng lên 114 nghìn tỷ đồng vào năm 2023, tương đương với mức tăng hơn 67 lần. Doanh thu kỷ lục, từ 2,45 nghìn tỷ đồng (1995) lên 168,10 nghìn tỷ đồng (2023), gấp 91 lần. Những con số này phản ánh nỗ lực không ngừng của TKV trong việc mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Để duy trì vị thế cạnh tranh, TKV đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại và cơ sở hạ tầng. Tập đoàn không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, từ khai thác than đến sản xuất điện, góp phần nâng cao năng suất, an toàn lao động.
Sản lượng điện sản xuất tăng từ 720 triệu kWh năm 2006 lên hơn 10 tỷ kWh năm 2023, doanh thu tăng từ 432 tỷ đồng lên 14 nghìn tỷ đồng (tăng 32 lần). Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng.
Là một tập đoàn kinh tế đa ngành gồm: than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất cơ khí và kinh doanh dịch vụ khác, nhưng TKV tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất chính, mang tính cốt lõi là than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Nhiều năm qua, lĩnh vực hoạt động của tập đoàn đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trong đó, sản xuất than là lĩnh vực có tỷ trọng lợi nhuận cao nhất.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ trọng lợi nhuận của TKV của một số ngành (khoáng sản, vật liệu nổ…) có xu hướng tăng lên đã cho thấy TKV đang hướng tới chiến lược phát triển bền vững, từng bước giảm bớt phụ thuộc vào sản xuất than, kinh doanh than.
Mặt khác, TKV đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất khác thân thiện với môi trường theo đúng cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 về vấn đề giảm thiểu khí thải nhà kính.
Lĩnh vực khoáng sản đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là 2 dự án alumina. Kể từ khi đi vào vận hành thương mại, dự án Tân Rai (tháng 10/2013), dự án Nhân Cơ (tháng 7/2017) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển cho một ngành công nghiệp hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Là một trong những tập đoàn có đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước

TKV không chỉ nổi bật về sản xuất mà còn đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Trong đó, riêng số nộp ngân sách nhà nước cho tỉnh Quảng Ninh chiếm đến 60%, đóng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh. Năm 2023, tập đoàn đã đạt số nộp ngân sách nhà nước cao kỷ lục kể từ khi thành lập với giá trị 29.216 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD). Trong đó, số nộp ngân sách nhà nước của TKV tại Quảng Ninh chiếm 41% thu ngân sách của tỉnh.
Cùng với đó, vốn nhà nước tại TKV cũng tăng từ 778 tỷ đồng vào năm đầu thành lập lên 48,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Vốn nhà nước đầu tư tại tập đoàn được bảo toàn và phát triển qua các năm với mức tăng trưởng cao. Hiện nay, vốn điều lệ của công ty mẹ đạt 35.000 tỷ đồng. TKV đang tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt tăng bổ sung vốn điều lệ của công ty mẹ từ 35 nghìn tỷ đồng lên mức 42 nghìn tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Về quản trị tài chính, tập đoàn từng bước chuyển đổi và hoàn thiện công tác quản trị tài chính thông qua việc thanh toán trực tiếp cho các công ty khai thác và tập trung thu xếp vốn tại công ty mẹ; áp dụng công nghệ số trong kế toán tài chính (bao gồm hóa đơn điện tử và chuyển tiền điện tử). Từ năm 2017, TKV thực hiện hoán đổi tiền tệ SWAP, giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá hối đoái và sinh lời khoảng 355 tỷ đồng từ 735 triệu USD.
TKV chú trọng quản lý công nợ và đã thực hiện tốt nghĩa vụ thanh toán với nhà nước và đối tác. Tập đoàn không có nợ quá hạn và sử dụng các phương pháp bù trừ công nợ nội bộ để tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thanh toán. Việc quản trị công nợ tối ưu đã góp phần tăng khả năng tự chủ tài chính, làm lành mạnh hóa tình hình tài chính toàn tập đoàn, được chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Hệ số tài chính của TKV duy trì trong giới hạn an toàn. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 14,6%/năm, với mức cao nhất là gần 19% vào năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt bình quân 4,5%/năm. Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thường xuyên duy trì trên 1 lần, cho thấy khả năng thanh toán tốt, được các nhà tài trợ tín dụng đánh giá cao, đối tác bạn hàng tín nhiệm, người lao động yên tâm, tin tưởng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đều thấp hơn mức trần là 3 theo quy định (tại Nghị định 87/2015/NĐ-CP, năm 2023) - hệ số này chỉ còn ở mức 1,24 lần, chứng tỏ khả năng tự chủ tài chính của TKV ngày càng cao.
Việc thoái vốn theo đề án tái cơ cấu của tập đoàn được thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
TKV đang tiếp tục triển khai công tác thoái vốn tại 19 công ty con và công ty liên kết theo đề án cơ cấu lại đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt (tại Quyết định 1263/QĐ-TTg ngày 27/10/2023). Theo đó, TKV tập trung nguồn lực vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả sử dụng tài sản tiếp tục tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng mới.
Những kết quả đã đạt được nêu trên là minh chứng rõ nét, khẳng định sự phát triển không ngừng lớn mạnh của tập đoàn trong chặng đường 30 năm qua.
Dưới sự lãnh chỉ đạo tập trung, có hiệu quả của Đảng uỷ, hội đồng thành viên, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của ban lãnh đạo điều hành qua các thời kỳ, toàn thể cán bộ công nhân viên trong tập đoàn đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao phó.