Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tập trung triển khai các chương trình hợp tác về lao động

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 của Trung tâm lao động ngoài nước được tổ chức sáng 11/1. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng tập thể cán bộ viên chức, người lao động Trung tâm Lao động ngoài nước.

Hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017
Báo cáo những kết quả đạt được trong năm 2017, ông Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước cho biết, trong năm 2017, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể viên chức và người lao động Trung tâm đã đoàn kết, nỗ lực cố gắng để triển khai toàn diện các mặt hoạt động, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ năm 2017 được Bộ giao như: Chương trình IM Japan tuyển chọn và đưa vào đào tạo đạt 199,3%, xuất cảnh đạt 106%; Chương trình EPS xuất cảnh đạt 106,6%; Chương trình điều dưỡng viên Đức đưa vào đào tạo đạt 103%, xuất cảnh đạt 112%.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Đối với Chương trình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc,  năm 2017 Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với Trung tâm EPS Việt Nam và các cơ quan chức năng trong nước tổ chức thành công các kỳ thi tiếng Hàn và thi tay nghề cho lao động có nguyện vọng làm việc tại Hàn Quốc. Kết quả, đã có 3.718 người lao động thi đỗ tiếng Hàn và tay nghề đủ điều kiện làm hồ sơ đăng ký dự tuyển gửi về Trung tâm kiểm tra và nhập vào hệ thống của HRD Hàn Quốc để kịp thời giới thiệu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp nhận lao động lựa chọn. Quy trình tiếp nhận, chuyển hợp đồng và chấp nhận hợp đồng đôí với người lao động tham gia chương trình đã được điều chỉnh, thời gian hoàn tất thủ tục cho người lao động trước khi xuất cảnh giảm xuống còn 47,22 ngày giảm 5,52 ngày so với năm 2016.
Năm 2017, Trung tâm đã tổ chức 82 đợt xuất cảnh cho 5.856 người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc (trong đó, lao động mới: 3.153 người, lao động CBT: 1.477 người, lao động mẫu mực: 1.235 người).
Với Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, thông qua 6 đợt thống báo tuyển mở rộng trên phạm vi toàn quốc, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận và xử lý 4.199 hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động đăng ký tham gia chương trình; phối hợp với IM Japan tại Việt Nam tổ chức 23 đợt thi tuyển và đã lựa chọn được 1.993 ứng viên trúng tuyển để đưa vào các khóa đào tạo tiếng Nhật. Qua đó, đã có 1.079 thực tập sinh xuất cảnh, tăng tổng số thực tập sinh xuất cảnh từ đầu chương trình đến nay là 4.596 người.

Cán bộ của Trung tâm lao động ngoài nước chia sẻ về công tác quản lý lao động tại Hàn Quốc
 
Với Chương trình tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam sang học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng tại CHLB Đức, trong năm 2017, nhờ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chương trình điều dưỡng viên Đức nên đã có 325 ứng viên nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển khóa 3, trong đó 215 người trúng tuyển qua phỏng vấn. Hiện nay đang hoàn thiện thủ tục và tổ chức xuất cảnh cho 81 học viên khóa 2.
 
Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo lao động trước khi xuất cảnh
Phát biểu tại lễ tổng kết, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý Lao động ngoài nước bày tỏ vui mừng trước sự lớn mạnh của Trung tâm và đánh giá cao những kết quả mà Trung tâm đã đạt được trong năm 2017, đặc biệt là  việc Trung tâm đã triển khai rất nhiều biện pháp trong đó có việc áp dụng công nghệ thông tin và công khai quá trình tuyển chọn lao động để hạn chế tiêu cực. Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước trong triển khai các hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… Ông Liêm cho biết, tới đây, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm trung việc xử lý các vấn đề về quản lý lao động, ký quỹ…
Q.Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội Nguyễn Trung Chính cho rằng giữa Trung tâm và các cơ quan báo chí của Bộ cần hợp tác chặt chẽ hơn
 
Dưới góc độ cơ quan truyền thông, Q.Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội Nguyễn Trung Chính nhận định, trong năm qua, với số lượng nhân viên không nhiều nhưng Trung tâm đã làm được rất nhiều việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đây là một sự nỗ lực rất lớn. Liên quan đến vấn đề truyền thông,  Q.Tổng biên tập Nguyễn Trung Chính cho rằng, hiện Bộ có 2 tờ tạp chí và một tờ báo, báo chí ngành đều là những đơn vị truyền thông mạnh trong lĩnh vực việc làm, an sinh xã hội. Riêng đối với báo Lao động và Xã hội và báo Điện tử Dân sinh đang trong quá trình đổi mới và phát triển, hiện đã phát hành đến hơn 80% xã phường . “Liên quan đến tỷ lệ lao động bỏ trốn vấn đề kỹ qũy hay tuyển chọn lao động thì vai trò tác động của phường xã là rất quan trọng.  Nếu các đồng chí phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông của ngành thì chúng tôi sẽ là “cánh tay nối dài” góp phần hỗ trợ tuyên truyền rất đắc lực”, ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá cao những kết quả mà Trung tâm lao động ngoài nước đã đạt được trong năm 2017, trong đó: các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, tổ chức tốt các kỳ thi tuyển chọn lao động và rút ngắn thời gian xuất cảnh cho người lao động. Việc đổi mới quy trình tuyển chọn và chương trình đào tạo lao động đã đạt nhiều tiến bộ. Nhiều chương trình tuyển chọn lao động được thực hiện theo đúng kế hoạch, tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động. 
Giám đốc Trung tâm Hà Xuân Tùng tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Bộ và đại biểu tham dự Hội nghị
 
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Trung tâm có những lợi thế mà không một doanh nghiệp XKLĐ nào có được, gần như là đơn vị duy nhất triển khai các chương trình hợp tác về lao động ở cấp chính phủ như chương trình IM Japan, EPS Hàn Quốc, chương trình đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Đức…Do vậy, Thứ trưởng lưu ý, năm 2018, Trung tâm cần tập trung triển khai tất cả các chương trình hợp tác lao động theo nhiệm vụ được giao,  chú ý hơn đến việc giáo dục định hướng cho lao động trước khi xuất cảnh, nâng cao chất lượng đào tạo ứng viên cả về luật pháp chính sách và ngôn ngữ; công tác tuyển chọn, sàng lọc lao động cần được thực hiện chặt chẽ hơn. Đồng thời,  sớm nghiên cứu giải pháp giải quyết vấn đề kỹ quỹ. 
“Với khối lượng công việc như thế, Trung tâm cần tạo môi trường làm việc hứng khởi, tinh thần đoàn kết chia sẻ, hỗ trợ lần nhau là việc cực kỳ quan trọng”- Thứ trưởng nhấn mạnh. 
 
Tin liên quan