Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tây Nguyên: Báo động tình trạng HS bỏ học gia tăng

Năm học 2015 - 2016, tình trạng học sinh (HS) bỏ học giữa chừng vẫn tiếp tục diễn ra tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Tây Nguyên. Trường học, chính quyền địa phương đã làm mọi cách để đưa HS bỏ học trở lại trường. Tuy nhiên, số lượng HS bỏ học đang có chiều hướng gia tăng.

 

Nỗi buồn điệp khúc “HS bỏ học giữa chừng”

Lật danh sách HS Trường TH số 2 Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã bỏ học trong năm học 2015 - 2016, bà Hồ Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chư Păh - lắc đầu nói: “Nhà trường cùng chính quyền làm đủ mọi cách vận động các em trở lại trường nhưng đều thất bại”. Theo bà Thảo, cả ba em bỏ học đều là HS lớp 3.

Mỗi HS có mỗi lý do bỏ học khác nhau. Ví như em Rơ Châm Ninh – HS lớp 3A (làng Jru ăng, xã Ia Ka, Chư Păh) bỏ học từ tháng 11/2015, nhà trường đã kết hợp với chính quyền vận động nhiều lần nhưng không ra lớp.

Trong văn bản danh sách HS bỏ học, em được nhà trường và chính quyền xác nhận lý do bỏ học là “cha mẹ bỏ nhau, ở với ông, là HS cá biệt và không thích đi học”.

Còn em Rơ Châm Tam, học sinh lớp 3B (làng Bui, xã Ia Ka, Chư Păh) bỏ học từ tháng 10/2015. Nhà trường, chính quyền, ban ngành đoàn thể vận động nhiều lần, nhưng vẫn không ra lớp; gia đình không quan tâm.

Lý do khiến em bỏ học được liệt kê khá rõ ràng: “HS lưu ban, nhiều năm cá biệt, gia đình đông anh em, nhà nghèo, không thích đi học”. Bà Thảo cho biết thêm:

“Học sinh nào bỏ học đều được lập danh sách ghi rõ lý do bỏ học và nhà trường, chính quyền đã sử dụng biện pháp nào vận động HS trở lại lớp. Văn bản danh sách phải có sự xác nhận của chính quyền xã và đơn vị trường học”.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở bậc tiểu học, mà ở bậc trung học số lượng HS bỏ học đang diễn ra có chiều hướng gia tăng. Minh chứng cho điều này là tình trạng HS bỏ học tại Trường THCS Ia Khươl (xã Ia Khươl, Chư Păh).

Ở thời điểm kết thúc học kỳ 1, năm học 2015 - 2016, cả trường có 3 HS bỏ học nhưng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và cho đến nay, số lượng HS bỏ học tăng lên 11 HS.

Theo cô Nguyễn Thị Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Ia Khươl, trong tổng số 266 HS toàn trường đầu năm học thì đến nay còn 252 em, trong đó có 11 HS bỏ học, 3 HS chuyển trường.

Cô Trang cho hay: “Những năm học trước số lượng HS bỏ học của nhà trường chiếm tỷ lệ còn cao. HS thường nghỉ học kéo dài trong năm, nhất là thời điểm sau Tết, vào dịp làm mùa, nhất là thu hoạch mùa sắn”.

Bao giờ hết cảnh HS bỏ học?

Cán bộ, giáo viên các trường học cho biết, do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, thì việc các em HS một buổi đi làm, một buổi đến trường là chuyện thường. Có nhiều gia đình, các em đóng vai trò là lao động chính trong nhà, cho nên nguy cơ dẫn đến các em bỏ học là rất cao.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến việc tình trạng HS bỏ học ở khu vực Tây Nguyên diễn ra phổ biến. Ngoài ra, có nguyên nhân cơ bản khác dẫn đến tình trạng HS bỏ học là do các em chưa xác định được động cơ học tập rõ ràng, bị “hổng” kiến thức từ cấp học dưới.

Chính điều đó đã khiến nhiều em không tiếp thu được kiến thức mới, kết quả học tập kém, không theo kịp chương trình, dẫn đến chán nản, không muốn đi học.

Thầy Huỳnh Minh Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai  cho biết: Hiện nay, tình trạng HS bỏ học còn nhiều, nhất là ở cấp THPT và chủ yếu ở các địa bàn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân chính vẫn là do bệnh tật, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn; học yếu rồi lưu ban dẫn đến bỏ học; hoặc nhà xa trường, đi lại khó khăn…

Để giải quyết tình trạng HS bỏ học, ngành GD&ĐT tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo, hướng dẫn có đơn vị trường học phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tham gia vận động HS ra lớp.

Một mặt nâng cao nhận thức của cha mẹ, HS về lợi ích của giáo dục; mặt khác, các trường học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy học.

 

Cũng theo thầy Huỳnh Minh Thuận, để giải quyết tình trạng HS bỏ học một cách hiệu quả, căn cơ thì UBND tỉnh Gia Lai cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhằm thực hiện việc chuyển đổi trường phổ thông thành trường phổ thông dân tộc bán trú theo kế hoạch đã được phê duyệt. Theo đó, cần có chế độ hỗ trợ cho các đối tượng HS ở các xã miền núi, HS đồng bào DTTS.