Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tệ nạn mại dâm ngày càng biến tướng, tinh vi hơn

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thời gian qua, tệ nạn mại dâm đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất và phương thức hoạt động, nhất là trên không gian mạng.

Tệ nạn mại dâm núp bóng dưới nhiều hình thức

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước ước tính có 9.695 người bán dâm, trong đó số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê (qua xử lý vi phạm, hỗ trợ xã hội, y tế...) là 932 người.

Người bán dâm chủ yếu là nữ giới, nhóm nam giới, người đồng tính, người chuyển giới, người nước ngoài tham gia hoạt động mại dâm chiếm tỷ lệ không nhỏ nhưng rất khó tiếp cận, thống kê do tính ẩn danh, di biến động, trá hình của hoạt động này. 

Anh 1 te nan mai dam.jpg
Các bị can trong đường dây môi giới mại dâm bị bắt giữ tại Hà Nội tháng 5/2024. Ảnh: Công an quận Cầu Giấy.

Đặc biệt, mại dâm biến tướng theo “hợp đồng”, đường dây “gái gọi”, dịch vụ cho thuê người yêu, tour du lịch, nhận “con nuôi”, “bố nuôi”... ngày càng phổ biến. Các đối tượng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh; một số đối tượng lợi dụng sự nổi tiếng của bản thân trên mạng xã hội để hoạt động môi giới mại dâm; phát hiện đường dây dụ dỗ, lôi kéo trẻ vị thành niên vào hoạt động mại dâm và bán dâm cho người nước ngoài. 

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, hoạt động mại dâm trá hình núp bóng trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, giải trí, ăn uống… có lúc, có nơi vẫn tồn tại. Một số quán bar, karaoke, vũ trường ở một số địa phương có tình trạng nhân viên nữ múa thoát y khiêu dâm, kích dục; đồng thời xuất hiện đối tượng là người nước ngoài đầu tư, kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam có dấu hiệu hoạt động mại dâm. 

Tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm tiềm ẩn diễn biến khó kiểm soát. Mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục trên các tuyến biên giới, vùng biển diễn biến khá tinh vi, dưới hình thức nhỏ lẻ, chủ yếu ở các khu vực có hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí và thường có liên quan đến địa bàn ngoại biên tiếp giáp với Việt Nam.

Trọng điểm là khu vực biên giới, vùng biển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau... 

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, toàn quốc có 99.859 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (tăng 9.729 cơ sở so với cùng kỳ năm 2023) với tổng số 136.957 nhân viên; trong đó có 64.992 cơ sở lưu trú, 15.068 cơ sở karaoke và massage, 204 vũ trường, quán bar, 19.595 các loại hình khác.

Hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở dịch vụ này vẫn khó kiểm soát, đặc biệt trong các khách sạn lớn, cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài, vũ trường, quán bar, cơ sở dịch vụ karaoke, massage... Cả nước vẫn tồn tại 183 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm. 

Đẩy mạnh đấu tranh, truy quét, xử lý tệ nạn mại dâm 

Theo đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), 6 tháng đầu năm, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ được tăng cường tại một số địa bàn trọng điểm như:

TPHCM (kiểm tra 1.903 lượt cơ sở), Long An (1.750 lượt cơ sở), TP Hà Nội (1.604 lượt cơ sở), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.312 lượt cơ sở), Tây Ninh (826 lượt cơ sở), Phú Yên (693 lượt cơ sở), Thanh Hóa (623 lượt cơ sở), TP Hải Phòng (598 lượt cơ sở), Đồng Tháp (522 lượt cơ sở). 

Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178 các cấp đã tiến hành kiểm tra 15.416 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện, xử lý vi phạm 1.878 cơ sở; trong đó, xử lý bằng hình thức cảnh cáo 937 cơ sở; phạt tiền 856 cơ sở với số tiền hơn 7,93 tỷ đồng; 46 cơ sở bị đình chỉ    kinh doanh; 5 cơ sở bị rút giấy phép kinh doanh; 34 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử lý khác. 

Lực lượng công an các cấp đã trực tiếp và tham gia Tổ liên ngành phòng, chống mại dâm kiểm tra 51.204 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện, phát hiện 4.932 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 4.257 trường hợp.

Trong đó, đã xử lý 855 cơ sở vi phạm, rà soát đưa vào danh sách, quản lý đối với 304 cơ sở có biểu hiện nghi vấn hoạt động mại dâm. Ngăn chặn truy cập khoảng 4.000 tên miền môi giới mại dâm và các hoạt động liên quan. 

Cũng trong 6 tháng qua, cơ quan chức năng các cấp đã phối hợp, thực hiện 483 cuộc truy quét tại địa điểm công cộng, 550 cuộc triệt phá tại cơ sở kinh doanh dịch vụ; đồng thời mở nhiều đợt tấn công, trấn áp tội phạm về mại dâm, tập trung đấu tranh, xử lý hoạt động mại dâm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài...

Qua đó phát hiện, bắt giữ 340 vụ/609 đối tượng phạm tội về mại dâm (tăng 92 vụ, giảm 172 đối tượng so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, 153 vụ/302 đối tượng chứa mại dâm, 179 vụ/285 đối tượng môi giới mại dâm, 8 vụ/22 đối tượng mua dâm người dưới 18 tuổi. 

Theo thống kê của ngành kiểm sát, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan điều tra đã khởi tố, điều tra 456 vụ/733 bị can; Viện Kiểm sát thụ lý, giải quyết 291 vụ/470 bị can, truy tố 273 vụ/428 bị can; Tòa án đã xét xử 260 vụ/364 bị cáo phạm tội liên quan đến mại dâm. 

Nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ giảm hại trong phòng, chống mại dâm 

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, có 10 tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai 55 điểm mô hình thuộc 3 khung mô hình thí điểm của Chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 tại 63 địa bàn cấp huyện; trong đó có 24 địa bàn triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội;

17 địa bàn thực hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 14 địa bàn triển khai mô hình tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới. 

Một số tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng, duy trì các mô hình như: Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng chống mại dâm (Quảng Ninh); mô hình Tổ phụ nữ vận động người thân không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội (Phú Thọ); mô hình can thiệp giảm hại dựa vào cộng đồng cho người tiêm chích ma túy và nam quan hệ tình dục đồng giới (Ninh Bình);

Mô hình cung cấp các dịch vụ truyền thông, tư vấn dự phòng, xét nghiệm sàng lọc HIV, hỗ trợ chuyển gửi và điều trị HIV, STIs, methadone và PrEP cho người có nguy cơ với HIV (TPHCM); câu lạc bộ hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS (Hậu Giang)... 

Nhờ đó, trong 6 tháng, đã có 19.934 lượt người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ, tư vấn (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023); trong đó 180 lượt người được hỗ trợ giáo dục; 316 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý;

14.902 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe; 4.535 lượt người được cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 86 người bán dâm được tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực. 

Để kiềm chế có hiệu quả tệ nạn mại dâm, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống mại dâm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, thủ đoạn của đối tượng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong phòng ngừa, đấu tranh, đẩy lùi tệ nạn mại dâm.

Đặc biệt, cần rà soát, đánh giá, triển khai lồng ghép các biện pháp phòng ngừa mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan tại địa bàn cơ sở; tiếp tục duy trì, nhân rộng hoặc vận dụng nguồn lực hiện có của địa phương để xây dựng các mô hình thí điểm thuộc Chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo khả năng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ hỗ trợ, can thiệp giảm hại của người bán dâm. 

Thuỳ Hương

Báo Lao động và Xã hội số 97

Tin liên quan