
Ảnh minh họa.
Nhiều trẻ em 10 tuổi đã bắt đầu làm quen với trang điểm
Trong ví của Mai Trang, một học sinh lớp 8, có 4 thỏi son, 1 tuýp kem chống nắng, 1 tuýp kem che khuyết điểm, 1 hộp phấn nền, 1 hộp phấn phủ, 1 bút chì kẻ mắt, 1 chì kẻ lông mày. Trong số đó, chỉ có 1 thỏi son và 1 chì kẻ mày là Trang xin của mẹ, các món đồ còn lại cô bé tự mua bằng tiền tiết kiệm.
Khi phóng viên hỏi, ở trường các thầy cô cấm học sinh trang điểm và nhuộm tóc, con mua nhiều mỹ phẩm như thế để làm gì? Cô bé chia sẻ: “Con trang điểm khi đi chơi với bạn, lúc đi trà sữa hoặc xem phim. Còn khi đi học con chỉ dùng kem chống nắng và đánh màu son nhạt nhất để không bị cô giáo phát hiện”.
Trang cũng chia sẻ thêm rằng, số mỹ phẩm mà mình sở hữu quá khiêm tốn so với các bạn cùng trang lứa. Lớp của Trang, hầu hết các bạn nữ đều có một bộ đồ trang điểm đầy đủ từ má hồng, phấn mắt, kem che khuyết điểm đến son dưỡng…. Thậm chí, một số bạn nam cũng dùng đồ trang điểm như kem chống nắng, kem che khuyết điểm.
Phương Thu, một học sinh lớp 6 cho biết, mình biết đến đồ trang điểm từ những ngày còn học mầm non. Vì ở trong đội văn nghệ của lớp và của trường, ngay từ hồi mới 3-4 tuổi, Thu đã được các thầy cô phụ trách văn nghệ trang điểm cho trước khi biểu diễn. Tuy nhiên, mỗi năm, Thu chỉ đi biểu diễn độ 3-4 lần. Trang điểm biểu diễn rất đậm nên Thu không. Nhưng từ cuối lớp 5, Thu bắt đầu dùng đồ trang điểm. Một số bạn nam trong lớp chê Thu đen nên cô bé sử dụng kem chống nắng nâng tone để làm sáng da. Không chỉ dùng kem chống nắng cho mặt, cổ, Thu còn bôi cả tay và chân để có làn da sáng đồng nhất. Khi da trắng lên thì việc tô son cũng khiến cho đôi môi trở nên nổi bật hơn. Thu cảm thấy tự tin hơn mỗi khi trang điểm, cô bé nói muốn mình luôn xinh đẹp trong mắt mọi người.
Ngày nay, không khó để bắt gặp những cô bé trang điểm sớm như Mai Trang và Phương Thu. Càng ngày, giới trẻ càng trẻ hóa về độ tuổi tiếp cận với mỹ phẩm, đồ trang điểm do sự tác động của phim ảnh, các show truyền hình về thời trang và người mẫu, cũng như sự ảnh hưởng của các trào lưu làm đẹp trên Youtube, Titok hay Facebook. Thậm chí, có không ít KOLs (người có sức ảnh hưởng) về làm đẹp lại chính là trẻ em, hoặc các em tuổi teen.

Nhiều trẻ em thích trang điểm và làm đẹp rất sớm. Ảnh minh họa
Những tác hại khi trẻ em lạm dụng mỹ phẩm
Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Trung ương, số lượng trẻ em đến tuổi dậy thì gặp các vấn đề về da như tắc lỗ chân lông, mụn thâm, mụn trứng cá do sử dụng mỹ phẩm, trang điểm sớm ngày càng tăng.
Mặc dù các chuyên gia về y tế đưa ra khuyến cáo trẻ em trên 15 tuổi mới thích hợp để bắt đầu sử dụng các loại mỹ phẩm, nhưng ở độ tuổi này, trẻ chỉ nên dùng kem chống nắng, sữa rửa mặt hay các sản phẩm skincare (chăm sóc da).
Tất cả mỹ phẩm đều có các thành phần của hóa chất, khi tiếp xúc với da có thể gây nên những phản ứng không tốt, nhất là với làn da nhạy cảm của trẻ em. Hơn nữa, hầu hết trẻ em chưa làm ra tiền nên hoặc là phải xin tiền cha mẹ để mua đồ trang điểm, hai là chỉ có thể mua những mỹ phẩm giá rẻ. Vì thiếu kinh nghiệm mua sắm và các kiến thức về làm đẹp nên ngay cả khi có tiền, trẻ vẫn có thể mua phải các sản phẩm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc. Những mỹ phẩm này nếu dùng thường xuyên có thể gây viêm da, dị ứng, nổi mẩn, sưng đỏ, viêm lỗ chân lông... Bên cạnh đó, một số mỹ phẩm làm trắng da có thể khiến cho da bị bào mỏng, giảm sức chịu đựng trước các tác động của môi trường như tia UV, ánh sáng, ô nhiễm…
Mặt khác, việc trang điểm hàng ngày có khả năng “gây nghiện” khiến cho trẻ sa đà, đầu tư quá nhiều thời gian cho việc làm đẹp mỗi ngày, trong khi nhiệm vụ chính của các em ở lứa tuổi này là học tập và rèn luyện sức khỏe.
Trang điểm giống như “thuốc kích thích” khiến tâm sinh lý của trẻ biến đổi theo xu hướng phát triển giới tính sớm hơn. Chưa có một nghiên cứu nào về mối liên quan giữa việc trang điểm sớm và yêu đương, tuy nhiên nhiều trẻ em thích trang điểm và làm đẹp sớm thừa nhận đã có người yêu, thậm chí đã trải qua vài ba mối tình độ tuổi cấp 2.
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với các chất hóa học như phenol, phthalates và phytoestrogen trong các loại sản phẩm tiêu dùng, nhất là mỹ phẩm, nước hoa, nước xịt phòng… dễ dẫn đến việc dậy thì sớm ở trẻ em, gây rối loạn nội tiết tố, nguy hại cho sức khỏe sau này.
Việc phát triển tâm sinh lý sớm hay dậy thì sớm có thể khiến cho trẻ bị giới hạn về chiều cao, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
TS. BS Lê Thái Vân Thanh, Giảng viên chính Bộ môn Da liễu, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, trẻ em dùng mỹ phẩm sớm có thể bị bít tắc lỗ chân lông, tạo cồi mụn, gây mụn thậm chí mụn nặng dẫn đến sẹo xơ xấu trên da về sau. Mặt khác một số hoá chất có thể gây tẩy trắng và bào mỏng da, da yếu nhanh và giảm sức chịu đựng với các tác động của môi trường như tia UV, ánh sáng, ô nhiễm…
Bác sĩ Vân Thanh cho rằng, ở tuổi teen, việc dùng mỹ phẩm gây biến chứng hay hậu quả ít biểu hiện cho nên một số bạn khá chủ quan trong việc sử dụng hoặc thậm chí lạm dụng mỹ phẩm. Tuy nhiên, nếu làn da bị tác hại lâu dài và “quá ngưỡng” thì chắc chắn sẽ gây ra các hậu quả mang tính “vết sẹo” trên da như da mỏng, nổi gân máu, sẹo lồi lõm, trở nên “bị nhạy cảm” lâu dài…