Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tết núi còn mãi với những trò vui

Lễ hội đua ngựa Tây Bắc Vùng Tây Bắc

 Tổ quốc có trò đua ngựa vào tết xuân và những ngày lễ lớn rất độc đáo của đồng bào dân tộc Mông. Cư trú ở vùng núi cao hiểm trở nên con ngựa luôn là người bạn đồng hành của nhiều cộng đồng người Mông ở Tây Bắc.

Thồ ngô, lúa từ nương rẫy về nhà, thồ hàng xuống chợ bán, thồ sản vật mua từ chợ lên nhà, tất cả đều cậy nhờ con ngựa. Con ngựa đưa người Mông đi hội, đi tìm bạn tình, đi tìm vùng đất mở mang canh tác, đi giữ cho yên ấm bản làng.

 Có thể tục đua ngựa xuất phát từ đời sống và khát vọng có được những chú ngựa khỏe đẹp, dẻo dai, tiện ích và thân thiện với con người.

Để có ngựa đua, nhà chủ chọn kỹ lưỡng rồi tách ra khỏi đàn để có chế độ chăm sóc riêng biệt. Họ tắm rửa kỳ cọ cho ngựa bằng nước lá thuốc cổ truyền hái từ núi cao vách đá về.

Cho ngựa ăn cỏ non, cỏ tươi, cỏ lành có pha nước muối loãng để bổ sung khoáng chất. Ngựa đua còn được bồi dưỡng thêm bằng khẩu phần ngô hạt, nước cơm nước cháo, nước ngô luộc.

Cầm chịch cuộc đua thường là vị già làng có kinh nghiệm đua ngựa và một thời từng là tay đua vang bóng. Người ấy phải có uy tín trong cộng đồng hiện nay và chưa từng để tiếng xấu cho dòng họ, gia đình.

Ban giám khảo cũng là những người có uy lực và lòng trung thực tuyệt đối được cộng đồng tin cẩn. Đua ngựa của người Mông có các loại hình đua đơn và đua tốp, đua ngựa bắn cung, đua ngựa thổi khèn, nhặt khăn rơi, lấy bình rượu quý là những hình thức biểu diễn nghệ thuật, võ thuật trên lưng ngựa tài khéo và thượng võ.

 Có lẽ chỉ người Mông mới có hình thức đua độc đáo như vậy. Sau phát súng lệnh vang rền, cả đàn ngựa phi như tên bắn giữa tiếng reo hò dậy đất vọng tới tận trời mây.Tết núi còn mãi với những trò vui

Cặp người - ngựa thắng cuộc hay thua cuộc đều được cộng đồng chào đón thán phục và giải thưởng chỉ là những bát rượu đồng đều. Nếu chàng trai cưỡi ngựa nào được các cô gái ngưỡng mộ, chàng sẽ được tự tay nàng khoác lên vai tấm khăn quý do mình thêu dệt với ngầm ý nếu có vợ rồi ta là anh em, nếu còn lẻ đôi thì em sẽ đợi anh “kéo về, bắt về” làm “con ngựa đẹp, ngựa quý” của đời anh.

Đua ngựa là môn thể thao dân tộc truyền thống của người Mông vùng Tây Bắc – Đông Bắc, có một thời bị lãng quên bởi chiến tranh. Ngày nay vào dịp hội xuân “gầu tào” bà con vẫn tổ chức đua ngựa.

Tài năng trên lưng ngựa, tìm bắt vợ trên lưng ngựa và ngã rượu cũng trên lưng ngựa, đó chính là bản ngã của những chàng trai Mông nơi núi rừng hùng vĩ, rất đáng để cho nhiều người nể trọng.

Trò đánh yến của người Mông

Ở các bản làng người Mông trước đây, người ta chỉ chơi đánh yến vào các ngày Tết Nguyên đán. Ngày nay ở những nơi công cộng, có thể chơi bất kỳ lúc nào, và trò chơi này luôn thu hút lứa tuổi thanh niên, thiếu nhi, nam nữ.      

Có hai loại yến (có nơi gọi yến là cầu lông gà tự tạo). Loại thông dụng nhất là yến tay. Người ta chọn bẹ bắp ngô đã khô, xé đều ra tùy thuộc bầu yến vuông hay tròn, cắt sẵn một chiếc khuôn bằng mo nang, hoặc gập luôn bằng bẹ ngô mỏng, rộng chừng hai đầu ngón tay để làm lối.

Lần lượt lắp bẹ ngô vào chiếc khuôn cho đến khi nào cảm thấy vừa tay là được. Cuống của bầu yến được túm tròn lại và được buộc cuốn bằng sợi dây lanh, để dài khoảng đốt ngón tay, cắt bằng phần thừa ấy đi.

Lấy lông cánh gà cùng chiều cắm vào cuống yến từ ba đến bốn chiếc. Lông cánh gà cùng chiều sẽ điều chỉnh con yến xoay tròn đều khi bay giữa không trung. Còn loại yến ống, người ta tiện ra một ống trúc nhỏ, để dài khoảng năm, sáu phân. Chọn loại lông cánh gà giò (nhỏ hơn yến tay) cắm chèn vào đầu ống trúc.

Đánh yến ống thì phải chuẩn bị thêm một hoặc hai đôi vợt đẽo bằng mảnh gỗ có cán để cầm. Sân chơi yến là gian giữa trong nhà, hoặc nơi tương đối bằng phẳng ngoài trời, bãi cỏ.

Đánh yến thường phải có hai người, hoặc hai cặp cùng chơi. Không có vật cản, hoặc đường phân cách ở giữa. Nếu bên nào để yến rơi tự do là thua cuộc. Là thiếu nhi, bên thua có thể bị phạt bằng cách búng tai, búng trán.

Nếu là thanh niên nam nữ chưa vợ chưa chồng thì đây là cơ hội tìm hiểu nhau, và bên thua có thể trao kỷ vật làm tin, hoặc phải hát. Nội dung bài hát có thể là lời tỏ tình, lời trách cứ, hoặc lời giới thiệu hoàn cảnh của mình.

Thường thì chơi yến ngày xuân không hạn chế về số lượng người chơi, có lúc có tới hàng trăm đôi trai tài gái sắc đứng quây thành một vòng tròn rộng để cho những trái yến cùng bay một lúc.

Cái bay cao, cái bay xa, bay gần, tầng tầng, lớp lớp đan xen với nhau đầy màu sắc, vi vút tựa như một đàn chim én đang chao liệng trên bầu trời mùa xuân... Giải thưởng thì đơn giản lắm, người thua sẽ phải trao tặng cho người thắng những món quà của mình, các cô gái thường tặng những chiếc khăn thêu, sản phẩm từ chính đôi tay khéo léo làm ra với lời nhắn về một mái ấm hạnh phúc gia đình.

Từ năm 2000, đánh yến đã trở thành một môn thi đấu tại đại hội thể thao người dân tộc. Hằng năm, trong lễ hội mùa xuân ngoài vô số trò vui thì trò đánh yến không bao giờ thiếu.

Ngày xuân trò chơi đánh yến càng hấp dẫn người tham gia và cả người xem. Đánh yến cùng với đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ... là những trò chơi dân gian còn mãi với vùng đất của đồng bào Mông, làm nên nét đẹp của văn hóa núi rừng.Tết núi còn mãi với những trò vui

Tung còn nối nhịp con tim

Tung bắt còn là trò chơi dân gian của các dân tộc Mường, Mông, Tày, Nùng, Thái... phổ biến ở cả vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Tung còn thường được tổ chức vào dịp lễ hội thu hút đông đảo cộng đồng tham gia mà nòng cốt là thanh niên nam nữ.

Trò chơi tung bắt còn có từ bao giờ, không ai còn nhớ. Có người kể rằng, từ thời còn hái lượm việc hái quả cây ném từ trên cao xuống phải bẻ theo cả cành lá, như vậy ném xuống người bắt được mới dễ dàng, quả cây không bị rơi rụng dập nát. Làm như vậy để quả rừng hái được không bị mất, bị lạc.

Để mô phỏng và hái lượm thành kỹ năng người ta làm những quả còn để tung bắt cho nhau, dần dần trở thành trò chơi tung còn. Có nơi còn lưu truyền câu chuyện giải thích trò chơi xuất phát từ tập quán canh tác lúa nước ở vùng núi.

Vào mùa cấy, con trai nhổ mạ, gánh mạ ra ruộng cho con gái cấy lúa. Các chàng trai thường ném những bó mạ cho con gái đón bắt. Tục ném còn phảng phất dấu ấn thời canh nông xa xưa, mạ bén chân, người bén duyên từ những lần tung bắt ấy.

Quả còn được làm bằng vải thổ cẩm ngũ sắc gói trong đó những hạt giống như: Bông, thóc,  vừng. Mỗi quả còn thường có nhiễu tua rua và dây còn cũng may tua như thể con rồng, chín tia nắng, tám tia mưa mang tín hiệu tốt lành cho cỏ cây, hoa lá, con người.

Thường thì trái còn là vật làm tin thể hiện sự tài khéo của người làm ra nó. Họ ngầm ý muốn tìm người tâm đầu ý hợp duyên may, dây bén để trao gửi làm tin trong ngày hội tung còn.

 Để tổ chức hội còn, trong cộng đồng phân công các tốp nam thanh, nữ tú chuẩn bị. Con trai đẵn tre cao lên làm cột, ngọn cột buộc vòng tròn đường kính non nửa mét. Con gái trang trí giấy đỏ, vải tiền vào vòng tròn, thân cột. Cột còn chôn giữa bãi chơi như cây nêu nối trời với đất và nối với những nhịp đập trái tim, ánh mắt con người.

Chơi còn có nhiều cách, còn vòng là người chơi thi nhau tung bắt ném quả còn lọt qua vòng tròn trên cây nêu. Ai ném thủng vòng tròn đầu tiên là người trúng thưởng, đem đến may mắn cho lễ hội, cho cộng đồng. Chơi còn xai là nam nữ chia hai hàng bên tung, bên bắt.

Ai bắt trượt để quả còn tuột khỏi tay sẽ lấy làm hổ thẹn với người tung. Quả còn như sợi dây tình trao đi gửi lại cùng với ánh mắt nói bao điều thầm kín. Sau cuộc chơi nhiều lứa đôi nên duyên thắm vợ chồng.

 Chơi còn xổm để người chơi đứng thành vòng tròn rộng, xen kẽ nam nữ, tung còn theo thứ tự lần lượt, ai bắt được gặp duyên may. Chính vì thế người chơi tung bắt còn đều cố gắng không để quả còn rơi xuống đất thành quả mất.

Cứ thế người tung sẽ bắt quả còn phơi phới trời xanh như rồng bay phượng múa trong âm hưởng cầu an, cầu mùa, cầu phúc.

Ngày nay dẫu có nhiều trò chơi trò vui nhưng tung còn vẫn là niềm đam mê của bao chàng trai, cô gái núi. Bởi vì trái còn chính là thông điệp của tình yêu nối những nhịp đập của con tim khát khao thương nhớ.Tết núi còn mãi với những trò vui

Chọi dê ở cao nguyên đá Hà Giang

Đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì có truyền thống chăn nuôi gia súc từ lâu đời. Cùng với ngựa, dê là con vật thân thuộc trong các gia đình.

Bà con thường nuôi dê theo đàn ở từng nhà. Dê dễ thích nghi với việc kiếm ăn trên núi đá, chịu rét, chịu hạn khá tốt. Sản phẩm từ dê mang lại nguồn thực phẩm, bổ dưỡng rất quý.

Đồng bào trong vùng vốn giỏi đua ngựa đồng thời cũng thích thú với trò vui chọi dê trong dịp lễ, tết, hội xuân. Để chuẩn bị cho mùa hội chọi dê, mỗi hộ chọn trong đàn dê của mình một con dê có vóc dáng cao to, có thể lực dai bền, thường là dê đầu đàn tham gia thi đấu.

Mỗi đàn dê có một con dê đầu đàn là dê đực. Nó đóng vai trò thủ lĩnh hướng đạo, bảo vệ đàn dê và chủ yếu nhằm phối giống với dê cái trong đàn ở độ trưởng thành. Dê đực đầu đàn thường có râu dài, sung mãn, sừng cao, cơ bắp chắc khỏe mà dân gian gọi là dê cụ.

Vào cuộc chọi dê, dê được phân thi đấu theo từng cặp và đấu vòng loại để phân biệt thắng thua. Cuộc chọi dê có thể diễn ra vài ba phút nhưng lắm khi phải tới mươi lăm phút tới nửa giờ mới phân thắng bại.

Để đảm bảo an toàn, người ta làm cho dê một đấu trường theo kiểu cũi lợn rộng gần bằng sân bóng chuyền. Người xem đứng chật bốn xung quanh để reo hò cổ vũ. Các cuộc chọi dê thường diễn ra quyết liệt, một mất, một còn.

Dường như vào cuộc đấu các chú dê đều quyết chiến với đối thủ để bảo vệ ngôi đầu đàn và cả đàn dê của mình. Coi đối thủ là tình địch để quyết một phen sống mái. Ngoài sức lực các võ sĩ dê còn biết cách ra đòn, trả miếng, tiến thoái phù hợp, đánh lừa đối phương và lợi dụng mọi sơ hở để hạ gục.

Những chú dê thắng trận ở vòng loại sẽ vào vòng bán kết để đi tới trận chung kết. Những con dê đoạt giải sẽ có thưởng cao nhưng mọi chú dê tham gia vòng đấu đều có phần thưởng để bồi dưỡng.

Dê thắng dê thua không bị lên thớt vào nồi thắng cố như chọi trâu, mà lẽo đẽo theo chân chủ vượt núi về nhà. Những chú dê chiến thắng được tôn vinh trở thành dê đực  giống quý.

Chủ dê có thể cho thuê, cho mượn để phối giống cho các đàn dê khác trong vùng. Chọi dê trở thành một trò vui tạo thêm sắc màu độc đáo cho những lễ hội và chợ phiên ở vùng cao nguyên đá Hà Giang.