Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Thả cá đừng thả nilon”: Thông điệp bảo vệ môi trường từ các bạn trẻ

Quang Dương
Quang Dương

Thông điệp "Thả cá đừng thả nilon" đã được các bạn trẻ đưa ra như lời kêu gọi bảo vệ môi trường dịp tiễn Táo quân về trời.

Một trong những nghi thức được thực hiện phổ biến trong lễ cúng ông Công ông Táo là thả cá chép, phương tiện để Táo quân về trời.

Để thuận tiện, những chú cá được người dân đựng trong túi nilon. Sau khi cá được thả xuống sông, hồ, bao nilon thường không thể phân hủy hoàn toàn và gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến hệ sinh thái thủy sinh.

Các bạn trẻ đã nhìn nhận đây là một vấn đề cần phải thay đổi. Thông điệp "Thả cá đừng thả nilon" đã được đưa ra như lời kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường.

“Thả cá đừng thả nilon”: Thông điệp bảo vệ môi trường từ các bạn trẻ - 1
“Thả cá đừng thả nilon”: Thông điệp bảo vệ môi trường từ các bạn trẻ - 2
Các bạn sinh viên tình nguyện với thông điệp "Thả cá chép đừng thả nilon" để bảo vệ môi trường (Ảnh: Đ.H).

Hành động thiết thực

Từ vài năm trở lại đây, các bạn trẻ tại Hà Nội đã thành lập nhiều nhóm tình nguyện tại các điểm người dân thường thả cá. Để thực hiện thông điệp "Thả cá đừng thả nilon", các bạn trẻ không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà còn đưa ra các hành động thiết thực.

Em Minh Anh, thành viên một nhóm tình nguyện viên trên cầu Long Biên chia sẻ: “Với mong muốn đóng góp trong việc bảo vệ môi trường, em và các bạn đã đến đây để tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc thả cá dịp cúng ông Công, ông Táo".

“Nếu không có xô, chậu ở đây, nhiều người dân hay thả cả túi cá xuống sông để nhanh chóng, thuận tiện, nhưng lại gây ô nhiễm môi trường. Chúng em sẽ dùng xô, chậu có dây dài để hỗ trợ người dân thả cá, cùng với đó giúp họ thu gom rác thải nhựa vào điểm tập kết”, em Tuấn cho hay.

“Thả cá đừng thả nilon”: Thông điệp bảo vệ môi trường từ các bạn trẻ - 3
“Thả cá đừng thả nilon”: Thông điệp bảo vệ môi trường từ các bạn trẻ - 4
Các nhóm tình nguyện sử dụng các vật dụng thay thế giúp bà con thả cá xuống sông (Ảnh: Đ.H).

Sáng kiến bảo vệ môi trường

Ngoài ra, một số sáng kiến các bạn trẻ đưa ra, đề xuất tới người dân như thay vì sử dụng cá thật nên chuyển hình thức cúng ông Công, ông Táo bằng các loại cá nhân tạo, chẳng hạn như cá làm từ giấy hoặc nhựa tái chế...

Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường mà vẫn giữ được ý nghĩa của nghi lễ truyền thống.

Ngoài ra, các bạn trẻ cũng tổ chức các chiến dịch, hoạt động tuyên truyền, chia sẻ thông điệp về việc thay đổi thói quen thả cá trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng và khuyến khích mọi người hành động có trách nhiệm hơn với thiên nhiên.

“Thả cá đừng thả nilon”: Thông điệp bảo vệ môi trường từ các bạn trẻ - 5
“Thả cá đừng thả nilon”: Thông điệp bảo vệ môi trường từ các bạn trẻ - 6
Giúp người dân thả cá xuống sông và thu gom rác thải vào điểm tập kết góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh: Đ.H).

Một trong những cách tiếp cận sáng tạo là tổ chức các sự kiện thu gom bao nilon sau lễ cúng hoặc cung cấp những bao đựng cá từ chất liệu dễ phân hủy. Các nhóm tình nguyện viên cũng tham gia vào việc dọn dẹp sau các lễ cúng, giúp giảm thiểu tác động xấu từ rác thải nilon trong cộng đồng.

Nhiều bạn trẻ còn tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường lâu dài như trồng cây xanh, làm sạch bờ biển hay tổ chức các buổi hội thảo về bảo vệ thiên nhiên, qua đó tuyên truyền mạnh mẽ thông điệp bảo vệ môi trường.

Việc duy trì phong tục truyền thống của dân tộc kết hợp với việc bảo vệ môi trường sẽ tạo nên một Tết Nguyên đán không chỉ đầm ấm, ý nghĩa mà còn thân thiện với thiên nhiên.

Tin liên quan