Ngày 26/2, VQG Bạch Mã đã tổ chức tái thả về thiên nhiên 2 cá thể động vật quý, hiếm, gồm: Gà Lôi trắng và Khỉ mặt đỏ về thiên nhiên tại đỉnh núi Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã cho biết, cá thể Gà Lôi Trắng (tên khoa học Lophura nycthemera) là một loài thuộc họ Trĩ, bộ Gà, quý hiếm thuộc nhóm IB được quy định tại Nghị định 6/2019.
Tại VQG Bạch Mã, hiện nay số lượng cá thể Gà Lôi trắng ngoài tự nhiên không còn nhiều, nguy cơ trùng huyết cũng như sự đa dạng về nguồn gen không cao.
Nhằm tăng sự đa dạng về nguồn gen cho loài, VQG Cúc Phương chuyển giao cá thể Gà Lôi Trắng cho Vườn quốc gia Bạch Mã để chắm sóc, tái thả về môi trường tự nhiên. Cá thể được tái thả là cá thể trống trưởng thành, trọng lượng 1,5 kg.

Khỉ mặt đỏ (tên khoa học Macaca arctoides) là một loài quý hiếm thuộc nhóm IIB thuộc họ Khỉ, bộ Linh trưởng.
Cá thể tái thả là cá thể cái, có trọng lượng 4,5 kg do người dân tự nguyện giao nộp. Sau thời gian cách ly, chăm sóc theo quy định, cá thể này khoẻ mạnh đủ điều kiện để tái thả về môi trường tự nhiên.
Theo Giám đốc VQG Bạch Mã, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, chăm sóc, tái thả 1 cá thể Rùa Núi Viền, 1 cá thể Tê tê Java; đồng thời đang chăm sóc 1 cá thể rùa hộp Trán vàng miền Trung, 4 cá thể gà lôi trắng.
Trong quá trình chăm sóc, 1 cá thể gà lôi trắng sinh sản được 4 quả trứng và hiện đang tiếp tục chăm sóc, thu trứng.
Ngoài ra, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại VQG Bạch Mã cũng đang tiếp nhận, chăm sóc 6 cá thể gấu.
Thảo Vi