Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thái Nguyên: Xử lý nghiêm hành vi thả diều mắc lưới điện quốc gia

(Dân sinh) - Thời gian gần đây, địa bàn TP. Sông Công liên tiếp xảy ra sự cố mất điện diện rộng. Nguyên nhân được xác định là do diều bay, mắc vào hệ thống đường dây trung, cao thế khiến công nhân ngành điện mất nhiều thời gian khắc phục sự cố để cấp điện trở lại cho khách hàng.

Thái Nguyên:  Xử lý nghiêm hành vi thả diều mắc lưới điện quốc gia
 - Ảnh 1.

Công nhân đang tháo gỡ diều vướng vào đường dây điện

Từ năm 2020 đến nay, TP. Sông Sông đã xảy ra 23 vụ mất điện diện rộng do diều bay vào đường dây điện cao áp. Cụ thể, khoảng 3 giờ sáng 30/3/2021, xóm Long Vân (xã Bình Sơn) bị mất điện. Công nhân Điện lực Sông Công tiến hành kiểm tra và phát hiện một chiếc diều bị mắc ở đường dây trung thế. Công tác khắc phục sự cố được tiến hành từ 6 giờ sáng với sự tham gia của 10 công nhân, 2 xe cẩu… Đến tận 12 giờ trưa, hơn 3.000 khách hàng mới được cấp điện trở lại.

Anh Đỗ Đức Linh, kỹ thuật viên an toàn thuộc Phòng Kỹ thuật Điện lực Sông Công cho biết: Khi nhận được tin báo của người dân về sự cố mất điện, bất kể ngày hay đêm, chúng tôi luôn sẵn sàng đến kiểm tra. Nếu nguyên nhân gây mất điện do diều vướng vào đường dây, chúng tôi tiến hành cắt điện, dùng xe cẩu (nếu xe vào được vị trí diều bị mắc), nối sào dài… để kéo diều xuống. Trường hợp không kéo được, chúng tôi buộc phải tiến hành hạ đường dây nên mất rất nhiều thời gian cấp điện trở lại.

Mặc dù ngành điện lực Sông Công đã tích cực phối hợp với Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thông thành phố, các xã, phường, đơn vị, trường học… để tuyên truyền tác hại do diều gây ra ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, nhưng vẫn còn tình trạng người dân thả diều, chủ yếu vào chiều muộn và đêm. Anh Dương Xuân Hà (tổ dân phố Kè, phường Thắng Lợi) cho biết: Nhiều năm nay, gia đình tôi chuyên sản xuất và chế biến chè. Công đoạn sao, vò chè chủ yếu làm bằng máy nên mất điện mà không được báo trước sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của gia đình.

Ông Dương Văn Hợp, Giám đốc Điện lực Sông Công cho biết: Điện lực Sông Công đang quản lý trên 200km đường dây trung thế, cao thế, 500km đường dây hạ thế, 2 trạm biến áp 110kV, đảm bảo cung cấp điện cho khu công nghiệp Sông Công 1 và khu công nghiệp Sông Công 2 với hơn 400 khách hàng là các doanh nghiệp, gần 22.000 khách hàng là các hộ dân. Việc xảy ra mất điện trên diện rộng với thời gian kéo dài sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị cũng như ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân. Vì thế, thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị, trường học, xóm, tổ dân phố… tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại, tổn thất do diều vướng vào đường dây điện.

Gần đây nhất, cán bộ điện lực thị xã Phổ Yên phải gỡ một chiếc diều cỡ lớn mắc vào dây điện. Họ cho biết diều đứt dây cũng có thể bị gió cuốn bay xa cả chục km và vướng vào dây điện. Rất có thể những chiếc diều này bay sang từ huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, nơi người dân thường chơi thả diều.

Theo điện lực Thái Nguyên, năm 2020, toàn tỉnh có 126 sự cố điện liên quan đến việc thả diều của người dân mắc vào đường dây điện, gây sự cố và mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. 3 tháng đầu năm 2021, 18 sự cố mất điện đã xảy ra do diều mắc vào đường dây. Để giảm thiểu hậu quả, ngành điện rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền cơ sở, sự tham gia ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần hạn chế những thiệt hại do chơi diều gây ra đối với lưới điện quốc gia.