Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Thanh Hóa: Đầu tư 2.691 tỷ đồng triển khai dự án xử lý chất thải rắn đến năm 2025

(Dân sinh) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt quyết định về việc phê duyệt Phương án xử lý chất thải rắn tỉnh này đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với nguồn kinh phí đầu tư ước khoảng 2.691 tỷ đồng.

Theo đó, dự án xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050 sẽ được đầu tư với nguồn vốn ước khoảng 2.691 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2025 khoảng 1.389 tỷ đồng; Giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 1.302 tỷ đồng.

Dự án xử lý các loại chất thải rắn gồm: Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn y tế và bùn thải trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa.

Khi dự án đi vào hoạt động, dự kiến đến năm 2025, 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 90% tổng lượng rác thải sinh hoạt nông thôn phát sinh phải được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn của tỉnh Thanh Hóa đạt 90%; tỷ lệ chất thải rắn chôn lấp dưới 30%; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, sản xuất phân bón, gang thép... được tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, nông nghiệp và 85% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Trong đó, 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp; 100% tổng lượng bùn bể tự hoại thu gom của các đô thị được xử lý đảm bảo môi trường; 80% chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân compost, các nguyên liệu, nhiên liệu sản phẩm thân thiện với môi trường và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đến năm 2050, tất cả loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.