Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Các địa phương “tăng tốc” để về đích

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã giúp nhiều địa phương giảm nghèo nhanh và bền vững.

2025 là năm cuối cùng thực hiện chương trình, các địa phương đang “tăng tốc” đưa ra nhiều giải pháp để giảm nghèo sớm về đích.

Năm 2015, tỉnh Yên Bái phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4,18%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,69%, tỷ lệ hộ nghèo trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn 2,57% so với năm 2024. Cùng với đó, tiếp tục duy trì 19 xã, phường không có hộ nghèo đã hoàn thành năm 2024.

Xây dựng thêm 6 xã, phường, thị trấn không có hộ nghèo để cuối năm 2025 Yên Bái có 25 xã, phường, thị trấn không có hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 14,88% tổng số xã, phường, thị trấn toàn tỉnh). 

Các địa phương “tăng tốc” để về đích - 1
 Nhiều mô hình giảm nghèo nhờ phát triển nông sản bản địa.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Trong đó, tiếp tục phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho 52 ban, sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 843 hộ nghèo tại 64 xã khó khăn thoát nghèo (gồm: 21 xã đặc biệt khó khăn; 28 xã đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới trong các năm 2022, 2023 và 5 xã có nhiều thôn đặc biệt khó khăn).

Cùng với đó, nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo thông qua đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đồng thời, chú trọng triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo gồm: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoạt động cho vay vốn tín dụng đối với hộ nghèo... nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, việc làm và thông tin; lựa chọn, xây dựng thôn, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn không có hộ nghèo; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động giảm nghèo.

UBND tỉnh Bắc Kạn phấn đấu năm 2025 giảm từ 2 - 2,5% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó các huyện nghèo giảm 4 - 5% năm trở lên.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huy động và lồng ghép nguồn lực của chương trình với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nhất là tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. 

Bà Hoàng Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Để đạt được các mục tiêu như vậy tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể. Theo đó, chính quyền các cấp cần phải lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt ngay từ đầu năm. Xác định cụ thể nguyên nhân nghèo để từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả.

Đặc biệt, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để các cấp, ngành và bản thân người nghèo thấy được trách nhiệm của mình trong công tác giảm nghèo. Đồng thời, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo…”.

Từ cuối năm 2022, TPHCM không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, hoàn thành trước thời hạn hơn 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra là đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

Năm 2024, thành phố huy động tổng hợp các nguồn lực thực hiện những chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo với tổng kinh phí hơn 13.700 tỷ đồng. Mục đích của thành phố là bảo đảm cuộc sống cho người dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, không để tái nghèo.

TPHCM phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố. Đồng thời, đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững.

Đến năm 2030, thành phố phấn đấu giải quyết việc làm bình quân cho 300.000 lượt người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89%. TPHCM sẽ nâng mức chuẩn nghèo của thành phố về thu nhập cao gấp  2 lần so với mức chuẩn chung cả nước vào năm 2030.

Đức Kiên

Báo Lao động và Xã hội số 18

Tin liên quan