Đến nay, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ cho gần 6,8 triệu gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 7,2 triệu lao động.
Thoát nghèo từ vốn chính sách

Từng là hộ nghèo nhưng nay gia đình chị Đàng Thị Phi Yến (dân tộc Chăm, thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã có cuộc sống ổn định nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Năm 2015, chồng chị qua đời vì tai nạn giao thông, để lại 4 con thơ. Chị không có việc làm, không thu nhập, nhà cửa tạm bợ.
Trong lúc bế tắc, chị được vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tuy Phong. Chị quyết định đầu tư mua bò giống và đi làm thuê. Nhờ chăm sóc tốt, từ 2 con bò giống ban đầu đã phát triển lên 7 con.
Chị còn được vay 40 triệu đồng từ Chương trình tín dụng học sinh - sinh viên để lo cho các con ăn học. 2 con lớn đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có việc làm ổn định và phụ giúp mẹ xây nhà mới khang trang. Có vốn, chị tiếp tục mở rộng chăn nuôi.
Không chỉ trả hết nợ, chị còn tích lũy, gửi tiết kiệm tại NHCSXH huyện. “Những đồng vốn chính sách như chiếc phao cứu sinh giúp mẹ con tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, từng bước thoát nghèo. Nay có tiền tích lũy, tôi quyết định gửi NHCSXH để có thêm nhiều người được vay vốn, vươn lên thoát nghèo”, chị Yến chia sẻ.
Gia đình ông Trần Văn Tuyến (thôn Phần Dương, xã Ðào Dương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) vốn thuộc hộ nghèo. Cách đây vài năm, ông Tuyến được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi NHCSXH. Ông Tuyến mua 2 con bò, đầu tư trồng gần 8 sào nhãn và bưởi. Thu nhập từ vườn cây ăn quả và chăn nuôi bò đã giúp gia đình ông vững vàng hơn về kinh tế.
Hơn 3 năm trước, gia đình anh Dương Văn Dô (xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) là hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn chính sách 70 triệu đồng để chuyển đổi hơn 4.000m² đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt. Với 70 triệu đồng, gia đình thuê nhân công làm đất, mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Nguồn vốn chính sách ưu đãi đã giúp gia đình có điều kiện chuyển đổi mô hình trồng chanh không hạt, cho thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa. Gia đình trồng 300 gốc chanh với lợi nhuận thu hoạch vào mùa thuận từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, còn mùa nghịch từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, gia đình anh đã thoát nghèo, mua thêm ruộng đất để tiếp tục canh tác.
Vốn chính sách đóng góp tích cực vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Phó Tổng giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận cho biết, riêng năm 2024, tổng doanh số cho vay đạt 119.507 tỷ đồng với hơn 2,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 367.631 tỷ đồng, tăng 35.708 tỷ đồng so với năm 2023 với gần 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.
Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh đạt 263.293 tỷ đồng, chiếm 71,6% tổng dư nợ, tập trung vào các chương trình như: Cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm; dư nợ cho vay sinh hoạt, đời sống đạt 104.387 tỷ đồng, chiếm 28,4%, hỗ trợ các mục tiêu như: Nước sạch, vệ sinh môi trường, xây nhà ở xã hội và giáo dục.
NHCSXH đóng góp tích cực vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, với chương trình cho vay giảm nghèo bền vững, dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt 140.423 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng dư nợ, hỗ trợ hơn 2,8 triệu hộ nghèo, cận nghèo vay vốn.
Với chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới, tổng dư nợ tại khu vực nông thôn đạt 324.958 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và hạ tầng dân sinh.
Với cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dư nợ đạt 130.130 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho hộ dân tộc thiểu số là 89.455 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 1,6 triệu hộ vay vốn, góp phần cải thiện đời sống và sản xuất.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Huỳnh Văn Thuận, năm qua, vốn tín dụng chính sách đã tạo việc làm cho hơn 712.000 lao động, hỗ trợ 9.300 người đi làm việc ở nước ngoài và gần 7.000 người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định.
Ngoài ra, hơn 88.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn học tập; gần 1,76 triệu công trình nước sạch và vệ sinh ở nông thôn được xây dựng; 1.143 căn nhà cho hộ nghèo và hơn 6.200 căn nhà ở xã hội đã hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu an cư của các đối tượng thu nhập thấp.
Đức Kiên
Báo Lao động và Xã hội số 20