Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thanh Hoá: Giảm nghèo nhanh, hiệu quả, bền vững

(Dân Sinh) - Trong 5 năm qua, cùng với triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cuộc vận động "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát động nhiều phong trào ủng hộ, giúp đỡ người nghèo phù hợp với điều kiện, nhu cầu của hộ nghèo theo hướng trao "cần câu" và hướng dẫn cách thức để họ tự câu "con cá" vươn lên thoát nghèo.

 Thanh Hoá là một trong 8 tỉnh của cả nước được Chính phủ chọn để thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 và Chương trình giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2012-2015. Chính sách giảm nghèo, GQVL luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Đặc biệt, với các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn... đều có chính sách, chế độ và các dự án ưu tiên, được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp sát thực mang lại hiệu quả cao, giúp các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh thay đổi, giúp người nghèo từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cải thiện đáng kể điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh của nhân dân. 

Thanh Hoá: Giảm nghèo nhanh, hiệu quả, bền vững - Ảnh 1.

Hỗ trợ bò sinh sản cho người dân thoát nghèo

Nhờ đó, giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh Thanh Hoá đã giảm được hơn 96.600 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 13,51% năm 2016 giảm xuống còn 3,27% cuối năm 2019. Đã có 1 huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a; 24 xã bãi ngang ven biển, 5 xã và 55 thôn, bản khu vực miền núi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Người nghèo và cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng đầy đủ và tốt hơn, 100% khẩu cận nghèo được mua bảo hiểm y tế, 95% hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh, 90% hộ nghèo được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, 100% hộ nghèo được tiếp cận dịch vụ thông tin truyền thông, có hơn 30.000 hộ nghèo xây được nhà ở kiên cố.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cho biết: "Thanh Hoá đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phong trào đã làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách hỗ trợ: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều… Với dự án Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Chương trình 30a, từ năm 2016 đến hết năm 2019, Thanh Hóa đã đưa 970 người là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ lãi suất tiền vay cho người lao động thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 74,782 tỷ đồng". 

"Các chính sách tập trung hỗ trợ chính như: Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo… Thực hiện Chương trình 30a về Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, từ năm 2016 - 2019, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư, xây dựng 120 công trình đường giao thông, kênh, mương, trường học, trạm y tế, nhà văn  hóa…. Các địa phương đã triển khai thực hiện 265 dự án phát triển sản xuất, trong đó: 193 dự án chăn nuôi, 57 dự án trồng trọt, 7 dự án thủy sản, 4 dự án lâm nghiệp và 4 dự án phát triển ngành nghề với 41.900 hộ được hỗ trợ. Giai đoạn 2016-2019, đã có 73.857 hộ nghèo được vay vốn với số tiền 2.726 tỷ đồng" - Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng thông tin thêm.

Thanh Hoá: Giảm nghèo nhanh, hiệu quả, bền vững - Ảnh 2.

Khôi phục làng nghề tạo việc làm cho bà con vùng dân tộc miền Tây xứ Thanh

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở Thanh Hóa đạt khoảng 1,487 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,17 lần cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1,713 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,50 lần cuối năm 2015 (cuối năm 2015 khoảng 685.000 đồng/người/tháng). Tính đến cuối năm 2019, có 3.152.059 người tham gia BHYT. Trong đó có 2,7 triệu lượt người nghèo, người cận nghèo, người DTTS được khám, chữa bệnh BHYT. Đã có 800.978 lượt học sinh được miễn, giảm học phí, 105.073 lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Vũ Thị Hương cho biết: "Với những kết quả đạt được, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 2,5%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước; vấn đề GQVL, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người nghèo cao gấp 2,5 lần so với năm 2015. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tăng cường; các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn".

Giai đoạn 2016-2019, tỉnh Thanh Hóa đã giảm được 10,24% tỷ lệ hộ nghèo, bình quân giảm 2,56%/năm, trong nhóm các tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Đây được đánh giá là 1 trong những kết quả nổi bật của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Điều đáng mừng là thông qua các chương trình, dự án được triển khai để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập, năng lực sản xuất, ý chí vươn lên của người nghèo đã được nâng lên, sự trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã giảm rõ rệt. Nhiều hộ dân thoát nghèo, vương lên làm giàu chính đáng cho gia đình và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.