Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thanh Hóa: "Gỡ khó" cho hướng dẫn viên du lịch tự do nhận hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP

(Dân sinh) - Không có hợp đồng lao động, không thẻ hướng dẫn viễn du lịch, nhiều lao động tham gia hướng dẫn viên du lịch tự do vẫn mong mỏi để nhận hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Theo quy định trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP, hướng dẫn viên du lịch nằm trong số nhóm lao động được hỗ trợ từ Chính Phủ khi được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đủ các điều kiện: Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Thanh Hóa: "Gỡ khó" cho hướng dẫn viên du lịch tự do nhận hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên du lịch hoạt động tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ thời điểm chưa có dịch Covid-19

Tuy nhiên, trên thực tế việc tiếp cận gói hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ khiến nhiều hướng dẫn viên du lịch gặp khó bởi phần lớn hướng dẫn viên làm tự do, hợp đồng thời vụ và hợp đồng theo tour. Không những vậy, họ không là thành viên của bất kỳ tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn viên.

Với vốn tiếng Anh phong phú, tham gia làm hướng dẫn viên tự do qua hình thức hợp đồng theo tour chuyên dẫn khách du lịch người nước ngoài cho một Công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội, anh Thiều Ngọc Hòa ở TP. Thanh Hóa cho biết: "Trước chưa có dịch, mỗi tuần 3 chuyến em đều dẫn khách ngoại quốc du lịch từ Hà Nội đi Quảng Ninh. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các đoàn khách nước ngoài ít dần, các hoạt động du lịch ngưng trệ, rồi dừng hẳn. Gần 2 năm qua em chuyển sang dạy học tiếng Anh online. Khi nghe Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP em rất vui và mong muốn được hỗ trợ. Tuy nhiên qua tìm hiểu em được biết để được hỗ trợ em phải có thẻ hành nghề, có hợp đồng lao động là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch. Trong khi đó những hướng dẫn viên tự do như em không có. Em cũng mong Nhà nước có chính sách phù hợp, hỗ trợ những lao động như em để vượt qua thời điểm khó khăn.", anh Hòa cho biết.

Làm hướng dẫn viên du lịch ở khu Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ từ năm 2011. Đến thời điểm hiện tại, chị Đỗ Thị Xuân Thanh (SN 1987) vẫn là nhân viên hợp đồng. Từ 2020 đến nay, khu di tích này đóng cửa 2 lần, đợt này đóng cửa từ đầu tháng 5/2021. Những hướng dẫn viên như chị Đỗ Thị Xuân Thanh phải nghỉ việc không lương, cuộc sống vô cùng khó khăn. Khi nắm được thông tin trong Nghị quyết 68 của Chính phủ có đối tượng người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được hưởng hỗ trợ, chị và đồng nghiệp rất phấn khởi.

"Số tiền hỗ trợ tuy không nhiều so với thiệt hại dịch bệnh mang lại. Tuy nhiên, chính sự quan tâm kịp thời, đúng mức của Đảng, Nhà nước đã tiếp thêm động lực để chúng tôi cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, chờ đến khi ngành du lịch phục hồi trở lại"- chị Đỗ Thị Xuân Thanh chia sẻ.

Theo anh Lê Sỹ Tâm, Phó Chủ nhiệm một câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn Thanh Hóa cho biết: Ngoài số hướng dẫn viên du lịch có thẻ, được ký hợp đồng đại đa số hướng dẫn viên không đủ điều kiện trợ cấp hầu hết là dạng tự do, không là thành viên của Hiệp hội du lịch Việt Nam. Thực trạng này không chỉ riêng Thanh Hóa mà ở hầu hết các tỉnh trong cả nước đều có.

Thông tin về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cho biết: Để được hỗ trợ, đối tượng ngoài thẻ hành nghề hướng dẫn viên, thì chỉ cần có một trong 2 điều kiện là có hợp đồng với công ty hoặc có thẻ hội viên Hiệp hội du lịch Việt Nam. Với đặc thù riêng ngành du lịch nên đa số hướng dẫn viên làm tự do. Căn cứ vào điều kiện trên thì đại đa số không đủ để tiếp cận gói hỗ trợ. Để đảm bảo quyền lợi cũng như không thiệt thòi cho hướng dẫn viên du lịch, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa đã tìm hướng tháo gỡ bằng cách tuyên truyền, động viên để hướng dẫn viên tham gia là thành viên của Hiệp hội du lịch. Do gói hỗ trợ kéo dài, hạn cuối nộp hồ sơn đến 31/12/2022 nên các hướng dẫn viên vẫn sẽ có cơ hội để tiếp cận. Nếu hướng dẫn viên không tham gia Hiệp hội thì Sở sẽ hướng dẫn họ làm thủ tục để nhận trợ cấp theo dạng lao động tự do. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ được địa phương cân đối ngân sách hỗ trợ và hiện Sở LĐ-TB&XH đang lên phương án dự thảo trình các cấp quyết định.

Theo số liệu rà soát của Sở VH-TT&DL Thanh Hóa đến ngày 30/7, trên địa bàn có 319 người là viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ dự kiến là gần 1.2 tỷ đồng. Đến ngày 13/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ đối với 6 hướng dẫn viên du lịch và 89 viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh phí đã phê duyệt là hơn 352 triệu đồng.

MỘC MIÊN
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ