Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Thanh Hóa: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững

(Dân sinh) - Những năm qua, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường (TNMT) luôn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm và đẩy mạnh. Đặc biệt, năm 2020 công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình vi phạm pháp luật BVMT cơ bản được kiểm soát.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Năm 2020, ngành TN&MT Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan báo, đài, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động BVMT phục vụ phát triển bền vững; tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT của tổ chức, doanh nghiệp. Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường, lối sống xanh, tiết kiệm năng lượng, trồng rừng, cây xanh... đồng thời phát động rộng rãi đến các địa phương, đơn vị ra quân làm vệ sinh môi trường trong khu dân cư, bãi biển... Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế...

Thanh Hóa: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững - Ảnh 1.

Thanh niên Thanh Hoá chung tay Bảo vệ môi trường

Tham mưu báo cáo UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/8/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; trình UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện quy định chính sách hỗ trợ, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021; phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt 98 hồ sơ báo cáo ĐTM và đề án cải tạo phục hồi môi trường. 

Chỉ đạo kiểm tra, giám sát môi trường 119 cơ sở sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án BVMT; các điểm nóng về ô nhiễm môi trường năm 2020 đã được chỉ đạo giải quyết. Tiếp tục giám sát việc vận hành và thực hiện công tác BVMT tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hoàn thành Chương trình quan trắc môi trường năm 2020. Tổ chức 103 Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM và 1 Hội đồng thẩm định Phương án cải tạo phục hồi môi trường; kiểm tra, xác nhận 29 kế hoạch BVMT; tham mưu trình UBND tỉnh xác nhận hoàn thành công trình BVMT trước khi đi vào hoạt động cho 9 dự án đầu tư. 

Kiểm tra và cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 22 đơn vị phát sinh chất thải nguy hại. Một số huyện đã quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác BVMT trên địa bàn, như: Nông Cống, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa, Ngọc Lặc... Hoạt động Quỹ Bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm, năm 2020 đã giải ngân vốn đối với 3 dự án, số tiền 3,2 tỷ đồng. Đôn đốc 229 đơn vị khai thác khoáng sản ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền 62,4 tỷ đồng, thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp 260 đơn vị, số tiền 11 tỷ đồng.

Đẩy mạnh tuyên truyền

 Năm 2020, ngành TN&MT Thanh Hóa đã tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNMT đến các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Tổng hợp danh mục các dự án đầu tư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất năm 2020; các dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tập trung hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai của các đơn vị, cá nhân...

Thanh Hóa: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững - Ảnh 2.

Bảo vệ môi trường biển

Tổ chức 22 lớp tập huấn về ứng dụng các phần mềm chuyên ngành TNMT, về phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn việc thực hiện tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm cho các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020 cho hơn 4.000 cán bộ cấp huyện, xã và doanh nghiệp...

Nhiệm vụ quản lý, khai thác quỹ đất tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành và triển khai tổ chức thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 10/4/2020 về việc phân cấp xây dựng, thẩm định và ủy quyền phê duyệt giá đất cụ thể; phê duyệt và triển khai Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2020. Năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất 1.291 dự án, diện tích 795ha, tổng số tiền dự kiến thu 7.994 tỷ đồng. Ước số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước trên địa bàn tỉnh đạt 7.053 tỷ đồng. Thẩm định phương án giá đất cụ thể cho 33 dự án, tổng số tiền là 2.348 tỷ đồng. 

Tính đến ngày 15/12/2020, 618/1.291 dự án đấu giá (đạt 50,70% kế hoạch), tổng diện tích đất đấu giá 334,93/795ha (đạt 42% kế hoạch), tổng số tiền trúng đấu giá thu được 9.283/7.994 tỷ đồng (đạt 116,14% kế hoạch). Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng đất 2 dự án: Khu nhà ở, công viên cây xanh thuộc khu đô thị Nam, TP. Thanh Hóa (đợt 2) và dự án Khu dân cư Đông Nam đô thị Đông Phát, TP. Thanh Hóa (đợt 1), số tiền trúng đấu giá của 2 dự án là 553,5 tỷ đồng. Thu tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước từ tháng 1/2020 đến ngày 26/11/2020 là 903,8 tỷ đồng.

Mục tiêu bền vững

Tập trung tăng cường công tác kiểm tra nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Thực hiện tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ đã được cấp phép theo quy định; rà soát, kiểm tra tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép đối với các đơn vị vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý và kiến nghị xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Triển khai giám sát môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Rà soát, phân loại các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường hoạt động quan trắc, dự báo diễn biến chất lượng môi trường, xác định kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh... 

Năm 2021 có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành TN&MT nói riêng; tiếp tục bám sát mục tiêu tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên theo hướng bền vững; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. 

Ngành TNMT Thanh Hóa tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bám sát cơ sở; chỉ đạo, đôn đốc Phòng TN&MT cấp huyện nâng cao vai trò, trách nhiệm tham mưu cho UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài nguyên, BVMT trên địa bàn; kiên quyết xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tập trung hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai của các đơn vị, cá nhân; tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện BTGPMB, hỗ trợ, tái định cư; chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, giao đất sạch đối với các dự án trọng điểm, quy mô lớn được khuyến khích thu hút đầu tư. 

Tập trung chỉ đạo quyết liệt, nâng cao vai trò trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các đơn vị thuộc Sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, môi trường. Phân công trách nhiệm rõ ràng, nâng cao vai trò trách nhiệm cá nhân, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TN&MT đến các cấp chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ TN&MT, góp phần vào phát triển bền vững.