Thành phố Hà Tĩnh hiện có gần 27 nghìn trẻ em, trong đó có hơn 170 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 1.
032 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được quản lý và trợ giúp.
Hơn 10 năm qua, thành phố Hà Tĩnh đã triển khai việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22/4/2010 của Thủ tướng chính phủ về ban hành Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng chính phủ về Quy định tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em và gần đây là Quyết định số 06/2019/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 của Thủ tướng chính phủ Ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Từ 25 tiêu chí để đánh giá xã, phường phù hợp với trẻ em theo Quyết định 37 năm 2010, giảm còn 15 tiêu chí tại Quyết định 34 năm 2014 và 13 tiêu chí tại Quyết định 06 năm 2019, thành phố Hà Tĩnh tới nay đã có 15/15 xã, phường phù hợp với trẻ em (đạt 100%).
Để làm tốt công tác này, hằng năm, Thành phố Hà Tĩnh đều xây dựng Kế hoạch Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em. Bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, thành phố Hà Tĩnh luôn nỗ lực dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, đảm bảo cho mọi trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt nhất.
Hằng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố đã tổ chức trao tặng từ 40-50 suất học bổng (500.000 đ/suất) cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi; hỗ trợ tiền mua sách vở đầu năm học mới cho tất cả trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo; trẻ em mồ côi cả cha và mẹ trên địa bàn với số tiền hơn 70 triệu đồng/năm. Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố cũng đã vận động các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động thăm hỏi tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Tết nguyên đán, Tháng hành động vì trẻ em, trung bình mỗi năm gần 200 suất quà (từ 300 đến 500 nghìn đồng).
Bên cạnh chăm lo về vật chất, các hoạt động truyền thông giáo dục, vui chơi giải trí, vận động xã hội quan tâm và thúc đẩy sự thay đổi nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được chính quyền từ thành phố đến cơ sở tổ chức thường xuyên. Ngành giáo dục và các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ đã và UBND các phường, xã đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động truyền thông giáo dục về an toàn giao thông, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em tại các trường học và cộng đồng dân cư; thành lập 11 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, 02 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc… Đồng thời hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ động viên các em khi có việc không may xảy ra, cụ thể như: thăm và hỗ trợ 8 em bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn; 9 em bị tử vong do đuối nước; hỗ trợ cho 49 trẻ em thực hiện cách ly y tế trong đợt dịch Covid-19 hơn 50 triệu đồng; huy động nguồn lực xây dựng, sửa chữa 4 nhà nhân ái, nhà khăn quàng đỏ trị giá 180 triệu đồng.
Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, thành phố có 15 chi bộ triển khai mô hình “Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”, vận động mỗi đảng viên, hằng tháng quyên góp hỗ trợ 1 cháu mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, mỗi tháng từ 250-400 ngàn đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn trong cuộc sống đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều hoạt động vui chơi mang tính giáo dục và giải trí cho các em được các đơn vị liên quan tổ chức đa dạng, phong phú như: các hoạt động văn hóa, thể thao, diễn đàn trẻ em, hoạt động tôn vinh gia đình có 2 trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi… Những hoạt động nêu trên đã tạo môi trường để các em tự tin thể hiện bản thân, trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình; tránh bị xâm hại, ngược đãi; phòng, tránh tai nạn, thương tích.
Trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; UBND thành phố đã ban hành các văn bản liên quan chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường, xã tăng cường xã hội hóa nguồn lực thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đến nay toàn thành phố đã vận động được gần 8 tỉ đồng, hỗ trợ trên 10.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Để công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được thực hiện hiệu quả, Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là gia đình, nhà trường và trẻ em về chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; lên án các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại, bạo lực trẻ em, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em. Đồng thời tiếp tục xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em gắn với việc xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới kiểu mẫu. Bố trí kinh phí và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19; chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các công trình như bể bơi, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn cho trẻ em, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em.
Với những kết quả đã đạt được thời gian qua trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đối chiếu 13 tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em cho thấy tổng số điểm ở 13 tiêu chí của 15 xã/phường của thành phố đều đạt theo tiêu chuẩn quy định. Một số tiêu chí được triển khai rất tốt như: Trẻ em được khai sinh đúng quy định; Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi; Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ; Trẻ em đến trường, lớp mầm non; Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em; Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em.
Mong rằng, thời gian tới đây, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của thành phố tiếp tục được củng cố, tăng cường nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, và phát triển toàn diện.