Quyền trẻ em ở Việt Nam ngày càng được phát huy hiệu quả hơn. Ảnh: Anh Tuấn
Cam kết chính trị mạnh mẽ
Việc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em của Việt Nam là cam kết chính trị mạnh mẽ về bảo đảm cho trẻ em có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Điều này được thể hiện nhất quán trong Hiến pháp, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế của trẻ em, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và chuẩn mực quốc tế khác về quyền con người, quyền trẻ em.
Cùng với Luật Trẻ em - đạo luật cơ bản về quyền trẻ em, các bộ luật, luật khác cũng luôn cập nhật, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn các thông lệ và chuẩn mực quốc tế có liên quan đến quyền trẻ em... Các nguyên tắc và yêu cầu về bảo vệ người chưa thành niên, một hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên đã dần định hình. Các bà mẹ đang đi làm cũng có được các điều kiện tốt hơn để chăm sóc con nhỏ. Bộ luật Lao động năm 2012 đã nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, thay vì 4 tháng như trước đây. Điều này đã tạo điều kiện cho các bà mẹ có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Nghị định 100/2014/NĐCP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ được ban hành đã hạn chế việc quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ nhỏ.
Nhờ đó, ngày càng có nhiều em nhỏ được pháp luật bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, học tập những kiến thức, kỹ năng cần thiết và được ưu tiên hưởng chính sách phúc lợi.
Đến nay, 95% trẻ em Việt Nam đã nhập học đúng tuổi, đạt mốc phổ cập tiểu học.
Dành những gì tốt nhất cho trẻ em
Bên cạnh hệ thống pháp luật về quyền trẻ em không ngừng được xây dựng theo hướng ngày càng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án cũng được Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện, với trọng tâm ưu tiên đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển bền vững và chuẩn bị tốt nhất cho nguồn nhân lực để bảo đảm các quyền của trẻ em được đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn.
Trong nhiều năm qua, mặc dù kinh tế - xã hội còn khó khăn, nước ta vẫn luôn dành cho trẻ em sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Nhờ đó, đến nay, gần 99% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ và tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và kiểm soát được bệnh sởi. So với giai đoạn đầu thực hiện Công ước, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm 75%; trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi giảm 50%...; tỷ lệ người được sử dụng nước sạch tăng gấp đôi. Cơ hội được học hết tiểu học của trẻ em trai cũng như gái đều được bảo đảm với 95% trẻ em nhập học đúng tuổi, đạt mốc phổ cập tiểu học; gần 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự trợ giúp kịp thời. Đại đa số trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, được tham gia các diễn đàn về trẻ em để nói lên tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân.
Với vai trò quản lý nhà nước về công tác trẻ em, ngành LĐTBXH đã xây dựng, phổ biến rộng rãi tài liệu tập huấn về quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. Dịp kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và các đối tác tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền trẻ em, với chủ đề: “Thắp sáng nụ cười, thắp sáng ước mơ cho mỗi trẻ em toàn thế giới”.
Một số định hướng thời gian tới
Trẻ em là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên và chịu sự ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường khắc nghiệt, suy giảm nguồn tài nguyên; bị mất và hạn chế việc đảm bảo các quyền từ nhiều góc độ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ; chịu nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực từ sự phát triển của Internet và cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, trong trong kế hoạch hành động để thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam đã đề ra 13 mục tiêu và 40 chỉ tiêu về hoặc liên quan đến trẻ em.
Nhằm tiếp tục dành những gì tốt nhất cho trẻ em, không ngừng tăng cường bảo vệ và chăm sóc cho trẻ em, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; bổ sung nguồn lực cho việc bảo đảm quyền của trẻ em; chủ động đưa ra giải pháp bảo vệ trẻ em trước hiểm họa thiên tai, biến đổi khí hậu; hoàn thiện hệ thống dịch vụ trợ giúp trẻ em, từ khâu phòng ngừa, can thiệp sớm tại cấp cơ sở, đến các dịch vụ chuyển gửi và bảo vệ trẻ em chuyên biệt… Mỗi gia đình cần quan tâm xây dựng văn hóa, chủ động trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại. Các trường học cần chú trọng trang bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi có nguy cơ dẫn đến bạo lực, xâm hại học đường…
Với sự nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm trong suốt hơn 30 năm thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em, tin rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong việc bảo vệ, chăm sóc và phát huy quyền của trẻ em để không có trẻ nào bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển của đất nước.
An Nhiên/TC GĐ&TE