Con số có khoảng 170.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp khiến mọi người bàng hoàng, lo lắng. Ảnh minh họa: KT
Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp - con số cứ tăng lên mãi
Nhiều học viên trường nghề đã được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Trong khi số người có trình độ cao đẳng trở lên đang thất nghiệp ở mức cao và tăng lên rất nhanh.
Cách đây 2 năm, con số có khoảng 170.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp khiến mọi người bàng hoàng, lo lắng. Người ta đưa mắt hỏi nhau: “Sao lại thế? Trẻ, khỏe, có học thức, tại sao lại không có việc làm?”. Câu hỏi này rồi cũng rơi vào im lặng vì không ai trong số những người có chức, có quyền tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Thời gian trôi, cách đây hơn 1 năm, con số này đã lên đến trên 190.000. Chưa dừng lại ở đó, số người “ăn không, ngồi rồi” trong giới trẻ tiếp tục tăng lên. Tại cuộc hội thảo có tên “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTBXH diễn ra vào tháng 5/2016, con số 225.000 cử nhân, thạc sĩ chưa có việc làm đã được đưa ra. Điều này làm nhiều người xót xa.
Còn vào thời điểm này (tháng 10/2016) con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp chắc chắn đã tăng lên rất nhiều. Bởi vì mùa hè vừa qua, có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp, phần lớn trong số họ chưa có việc làm. Không đi làm nhưng họ vẫn phải ăn, mặc; lấy tiền ở đâu ra? Lại ăn bám vào bố mẹ, nói rộng ra là ăn bám vào xã hội. Trẻ, khỏe, có học thức mà ăn bám thì xấu hổ lắm, thậm chí còn thấy nhục nhã nữa cơ! Song, biết làm thế nào? Tìm mãi chưa ra việc làm…
Năng suất lao động thấp cũng là một dạng “thất nghiệp kín”
Hơn một năm trước, xã hội xôn xao vì có nguồn tin cho rằng, năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của người Singapore, nghĩa là 15 người Việt Nam mới làm việc bằng 1 người Singapore. Nhiều người đứng ra giải thích là do cách tính toán khác nhau, chứ thực tế không đến nỗi như vậy. Tuy nhiên, chuyện năng suất lao động của người Việt Nam thấp là điều có thật trên thực tế. Điều này đã được ông Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương xác nhận, rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề hiện nay còn nhiều yếu kém, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Đức thẳng thắn: “Năng suất lao động ở Việt Nam còn rất thấp trong khu vực, thua xa so với các nước phát triển. Tình trạng lao động qua đào tạo ở trình độ cao thất nghiệp nhiều…”.
Các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực lao động và việc làm chỉ ra rằng, chất lượng nhân lực ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực, đang mất sức cạnh tranh trên thị trường lao động, cơ cấu lao động bất hợp lý; số người có trình độ cao đẳng trở lên đang thất nghiệp ở mức cao và tăng nhanh.
Trong khi đó, khoảng 80% người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất là lao động phổ thông. Đã là lao động phổ thông, làm những việc đơn giản thì không thể nào có năng suất lao động cao được. Số lao động này ước tính khoảng 2 triệu người.
Hàng triệu người có việc làm hẳn hoi nhưng năng suất lao động thấp, tạo ra số của cải vật chất không nhiều thì cũng coi như một dạng “thất nghiệp kín”. Điều này cũng nhức nhối không kém so với hiện tượng hàng trăm ngàn người không có công ăn việc làm.
Nhiều bạn trẻ đã lựa chọn học nghề để dễ dàng tìm việc làm. Ảnh: KT
Học nghề để khởi nghiệp
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016, số thí sinh “không màng” đến các trường đại học đã tăng cao, trung bình cả nước là 32%, cá biệt có những tỉnh lên tới gần…70%. Con số này chỉ ra rằng, người Việt Nam chúng ta đã trở nên thực tế hơn, muốn sống thực chất hơn. Nhiều bạn trẻ muốn vào đời bằng chính sức lực và trí tuệ của mình, họ học nghề để lập nghiệp.
TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBH) đánh giá chất lượng đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho các ngành công nghiệp nói riêng từng bước được nâng lên, thể hiện qua kết quả tốt nghiệp và tìm được việc làm sau đào tạo. Năm 2015, tỉ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 70%. Nhiều trường có những nghề trên 90% học viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp. Một số nghề có số học sinh có việc làm ngay khi tốt nghiệp chiếm tỉ lệ cao, trên 77% (đối với các nghề có số lượng học viên tốt nghiệp lớn hơn 500 người) như: kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, công nghệ dệt, công nghệ hóa nhuộm, kỹ thuật xây dựng, lâm sinh, may thời trang, kỹ thuật dược, nguội sửa chữa máy công cụ, nghiệp vụ nhà hàng… Mức lương khởi điểm bình quân đạt 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, trong đó mức lương khởi điểm cao nhất là nghề lái ôtô hạng E và hạng F đạt 7- 9 triệu đồng/tháng. Đây chưa phải là những con số cao, đáng tự hào, nhưng bước đầu là có thể chấp nhận được.
Đã có những người sau khi tốt nghiệp đại học, thậm chí nhận bằng thạc sĩ xong là… cất vào tủ, trở lại trường nghề học và tự tạo ra việc làm cho chính mình. Ở nhiều trường đại học, sinh viên hăng hái thảo luận chuyện lập nghiệp. Thậm chí sinh viên Báo chí đã có đề nghị cụ thể là xuất bản Tạp chí “Khởi Nghiệp” để hướng dẫn những người trẻ tuổi tìm đường vào đời.
Thật kỳ lạ là cái tên Đoàn Văn Vươn được nhắc đến như một ví dụ sinh động về lập nghiệp bằng nghề nuôi trồng hải sản, gia cầm sạch. Cứ tưởng bị đi tù vì tội chống người thi hành công vụ, tương lai đã đóng sập cửa lại với Đoàn Văn Vươn. Nhưng không, chỉ mới ra tù khoảng 2 năm, người nông dân này đã tạo dựng được uy tín trong việc khởi nghiệp lại bằng cách lao động miệt mài, sáng tạo trên những vùng đất ven biển, ven sông. Sản phẩm của ông được ưa thích bởi chúng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đoàn Văn Vươn không còn trẻ nữa, nhưng giới trẻ nhắc đến ông để nói về việc phải vượt qua nhiều khó khăn, cản trở để khởi nghiệp.
Năng suất lao động ở Việt Nam còn rất thấp trong khu vực. Ảnh minh họa: KT
Cần quyết định “dũng cảm”!
Thông tin có tới khoảng 1/3 quan chức, công chức, viên chức là những người không làm được việc. Họ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng mỗi năm tiêu tốn trên 17.000 tỷ đồng tiền ngân sách!
Chuyện có tới hàng trăm ngàn người trong bộ máy nhà nước làm việc không hiệu quả, thậm chí không làm việc đã được nói tới lâu rồi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn phải nhắc lại vì nó nhức nhối quá, vô lý quá! Họ không chỉ không làm lợi cho đất nước, mà còn tạo ra những rào cản có hại. Thử tưởng tượng là một số người trong số họ được giao giải quyết những việc quan trọng nhưng lại không biết cách làm việc thì sẽ có hại như thế nào.
Do vậy, đã đến lúc Đảng, Chính phủ cần có quyết định “dũng cảm” là đưa họ ra khỏi bộ máy để họ tự kiếm việc làm ở nơi khác. Việc giảm biên chế đã được đặt ra từ lâu, nhưng kết quả không thấy đâu, chỉ thấy bộ máy càng ngày càng phình to. Đã có đề nghị bỏ hết biên chế để làm việc theo chế độ hợp đồng. Kể cả những vị trí quan trọng cũng có thể ký hợp đồng với những người giỏi.
Muốn người lao động làm việc có năng suất cao, trước hết, bộ máy nhà nước phải vận hành thông suốt, có hiệu quả. Vì vậy, việc thải loại những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” là rất cần thiết. Vẫn biết làm việc này không hề dễ, nhưng nếu chúng ta quyết tâm thì không việc gì là không thể.
Đã đến lúc cần những quyết định “dũng cảm” để tạo ra không khí phấn khởi, hồ hởi trong những người lao động - lực lượng đóng thuế - để duy trì sự hoạt động của bộ máy nhà nước.
Trọng Đàm
Hồ Bất Khuấ/Tạp chí Gia đình và Trẻ em