Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đồng chí lãnh đạo khai trương tên mới của Tổng cục GDNN.
Báo cáo tại lễ công bố, TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển, Tổng cục GDNN đã có những đóng góp to lớn trong công tác quản lý nhà nước về GDNN có hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, công tác đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm, chú trọng; năng lực đội ngũ quản lý nhà nước về GDNN chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, thường xuyên được đào tạo nâng cao đáp ứng yêu cầu quản lý; mạng lưới 1.989 cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý hơn 90 ngàn người và quy mô tuyển sinh hàng năm hơn 2,2 triệu người; nhờ đó cung cấp đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, công nhân trình độ cao và hàng triệu lao động qua đào tạo nghề theo yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Bước vào giai đoạn phát triển mới, triển khai Luật GDNN và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ, công tác quản lý nhà nước về GDNN đứng trước nhiều cơ hội to lớn, đan xen thách thức, đó là năng suất, chất lượng lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, đang đặt ra yêu cầu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. “Ngay sau hội nghị này, Tổng cục GDNN sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, với 3 trọng tâm đột phá khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước mắt, bên cạnh việc tập trung hướng dẫn tuyển sinh và tổ chức đào tạo năm 2017 hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, lãnh đạo Bộ giao, sẽ tập trung triển khai 5 công việc ưu tiên: Hoàn thiện thể chế để tổ chức hiệu quả Luật GDNN. Hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước các cấp về GDNN. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Rà soát, sắp xếp và quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN. Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án về GDNN đã được phê duyệt đảm bảo kết quả cao nhất”., TS Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Phát biểu tại buổi lễ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là sự kiện quan trọng và là dấu mốc trong quá trình phát triển của lĩnh vực GDNN. Theo Bộ trưởng, Tổng cục GDNN đã đi qua chặng đường rất dài với nhiều thăng trầm, nhiều lần đổi tên và thay đổi cơ quan quản lý nhưng có vấn đề chung nhất không bao giờ thay đổi đó là là công ăn việc làm, dạy nghề cho HSSV và những người có nhu cầu học nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội. Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nhân lực trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, ngày 23/5/1998, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Những quyết định quan trọng trên đã tạo bước phát triển mới cho công tác quản lý nhà nước về GDNN trước ngưỡng cửa thế kỷ 21. Vai trò xã hội của GDNN ngày càng được nâng lên. GDNN đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức, đó là từ năm 2018 sẽ không còn điểm sàn đại học.
“Bản thân từ GDNN đã bao hàm những cái mới, trong đó chú trọng đến vai trò của giáo dục toàn diện cho người lao động, chứ không chỉ trang bị kiến thức về tay nghề. Chúng ta phải góp phần đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội để giải quyết hài hòa bài toàn giữa thầy với thợ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và lãnh đạo Tổng cục GDNN.
Bộ trưởng cũng yêu cầu từ Tổng cục trưởng đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn việc “thay tên đổi họ này”, nó cũng sẽ thay đổi về chất đối với GDNN để Tổng cục GDNN có một quyết tâm mới, cách làm mới, tư duy mới trong công việc.
“Công việc đầu tiên phải hoàn thành toàn bộ văn bản pháp quy để cho hệ thống GDNN được vận hành trong khuôn khổ hệ thống pháp lý đầy đủ và hoàn chỉnh nhất. Tổng cục GDNN sớm hoàn thiện mạng lới quy hoạch GDNN theo hướng tinh gọn nhất và chất lượng nhất và thực chất nhất. Tổng cục GDNN cần tập trung vào 10 nhóm giải pháp đột phá, trong đó có giải pháp mở đường, trọng tâm đối với GDNN. Đó là tự chủ, kết nối doanh nghiệp, chuẩn hóa” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu.
Cũng theo Bộ trưởng, sự nghiệp GDNN không chỉ của riêng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ -TB&XH mà Tổng cục GDNN phải thay đổi nhận thức của toàn xã hội về GDNN, trong đó đối tượng cần tập trung trước hết là thanh niên. “Trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tôi mong muốn Tổng cục GDNN sẽ tìm ra phương hướng và có những bước đi thích hợp trong quá trình phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, người học, đặc biệt là các bậc phụ huynh, để từ đó chúng ta hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước đã giao cho ngành LĐ -TB&XH”... - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.